Mỹ nhân phụ bạc chồng con để vào cung, sau này khiến hoàng đế phá lệ: Lời phán ứng nghiệm?

Nghe thầy bói phán, cha của Vương thị xúi con ly hôn đề về nhà chờ nhập cung hầu hạ thái tử. Sau đó, mỹ nhân này đã trở thành hoàng hậu vang danh thiên hạ.

Chúng ta biết rằng, quan niệm về sự trong trắng của người phụ nữ thời phong kiến thường rất nặng nề. Đặc biệt, những người phụ nữ góa chồng hoặc trải qua đổ vỡ thường chỉ có thể ở vậy tới hết đời. Thế nhưng, trong nhiều triều đại, vẫn có những vị hoàng đế sẵn lòng kết hôn cùng nhiều người phụ nữ đã có gia đình, thậm chí là con cái. Tại sao các vị hoàng đế lại chấp nhận chuyện này?

XÚI CON LY HÔN ĐỂ GẢ CHO THÁI TỬ

Đó là câu chuyện của Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu, vị hoàng hậu thứ 2 của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Bà cũng là mẫu thân của Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Trong "Sử ký" và "Hán thư", Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu hay còn gọi là Vương thị có khuê danh là Vương Chí, người ở thôn Hòa Lý thuộc Hữu Phù Phong, là một nơi nằm ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Trước khi nhập cung theo thái tử Lưu Khải (tức Hán Cảnh Đế) sau này, bà đã từng có 1 đời chồng và 1 người con.

Dù Vương thị đã có chồng và con nhưng vẫn được đưa vào cung hầu hạ thái tử. (Ảnh: Baidu)

Dù Vương thị đã có chồng và con nhưng vẫn được đưa vào cung hầu hạ thái tử. (Ảnh: Baidu)

Hậu thế thắc mắc rằng tại sao Hán Cảnh Đế lại chấp nhận lấy 1 phụ nữ đã có gia đình? Trên thực tế, vào thời Hán, hiện tượng này rất phổ biến. Vào thời của các hoàng đế nhà Hán mới chỉ là giai đoạn đầu của xã hội phong kiến, các luật lệ lúc này mới bắt đầu được xây dựng nên xã hội không quá khắt khe với người phụ nữ. Người của thời đó cũng chưa đặt nặng quan niệm trinh tiết. Người phụ nữ thời đó có thể tái hôn mà không phải chịu lời ra tiếng vào. Vì thế, Vương thị dù đã có chồng và con vẫn có thể được vào hậu cung hầu hạ thái tử.

Mãi cho tới thời Tống, học thuyết "Lý học" do Chu Hy kế thừa từ tiền nhân và xây dựng đã trở thành tư tưởng thống trị các thời kỳ chuyên chế của Trung Quốc. Khi đó, người phụ nữ ở thời Tống gần như không thể tái hôn khi chồng qua đời hay sau khi ly hôn.

Quay lại câu chuyện chính, Vương thị là cháu của Yên vương Tạng Đồ. Vào thời Hán Văn Đế, Vương thị được gả cho Kim Vương Tôn, một người ở gần nhà mình. Kim Vương Tôn chỉ là một người có gia cảnh bình thường còn gia tộc của Vương thị có xuất thân quyền quý dù gia thế đã có phần sa sút. Sau đó, bà sinh ra một người con gái đặt tên là Kim Tục.

Vương thị rất được thái tử Lưu Khải sủng ái. (Ảnh: Baidu)

Vương thị rất được thái tử Lưu Khải sủng ái. (Ảnh: Baidu)

Một ngày nọ, cha của Vương thị mời 1 thầy bói tới xem vận hạn cho gia đình. Vị thầy bói này nói rằng Vương thị có số mệnh phú quý, sau này chắc chắn vang danh thiên hạ. Do đó, cha của Vương thị quyết định gọi con gái về nhà, yêu cầu ly hôn với Kim Vương Tôn. Tuy nhiên, nhà họ Kim nhất quyết không đồng ý, cha của Vương thị đành giữ con gái ở trong nhà.

Sau đó, cha của Vương Thị cho con nhập cung của hoàng thái tử Lưu Khải. Vương thị được phong làm Mỹ nhân. Vương mỹ nhân rất được Lưu Khải yêu thương, ông liên tục thị tẩm nên Vương thị liên tiếp sinh cho thái tử 3 công chúa.

Năm Hán Văn Đế Hậu Nguyên thứ 7, Hán Văn Đế băng hà, Lưu Khải lên kế vị lấy hiệu là Hán Cảnh Đế. Ông lập Bạc thị làm hoàng hậu, Vương thị được phong làm phu nhân. Sau đó, bà hạ sinh hoàng tử thứ 11 – Lưu Triệt, và cũng là người con trai duy nhất của bà.

DÙNG KẾ HIỂM ĐƯA CON MÌNH LÊN NGÔI

Tới năm Lưu Triệt được 4 tuổi, Hán Cảnh Đế phong là Giao Đông vương. Theo quy định của nhà Hán, mẫu thân của các chư hầu vương chỉ được phong là thái hậu sau khi hoàng đế băng hà, nhưng Vương phu nhân lại được hoàng đế phá lệ, được phong làm Giao Đông vương Thái hậu. Và cũng chính nhờ có sự hậu thuẫn của mẹ mà Lưu Triệt dễ dàng lên ngôi vua dù thái tử khi đó là Lưu Vinh.

Theo Hán Vũ cố sự, khi đó, Quán Đào công chúa, chị cùng mẹ của Hán Cảnh Đế muốn gả con gái của mình là Trần thị cho thái tử Lưu Vinh nhưng mẹ của thái tử lại từ chối 1 cách thô bạo. Vì thế, công chúa đã quay sang đề nghị kết thông gia với Giao Đông vương Thái hậu. Thân mẫu của thái tử cậy được sủng ái nên sinh kiêu ngạo. Công chúa nhân cơ hội gièm pha với Hán Cảnh Đế khiến cho nhà vua trong lòng khó chịu.

Vương thị chỉ sinh được 1 con trai nhưng nhờ dùng mưu kế hiểm mới đưa được con mình lên ngôi. (Ảnh: Baidu)

Vương thị chỉ sinh được 1 con trai nhưng nhờ dùng mưu kế hiểm mới đưa được con mình lên ngôi. (Ảnh: Baidu)

Công chúa kết hợp cùng Giao Đông vương Thái hậu tìm cách lật đổ Lịch Cơ. Công chúa một mặt thường xuyên khen ngợi Lưu Triệt trước mặt Hán Cảnh Đế. Mặt khác, bà cùng Giao Đông vương Thái hậu xúi giục đại thần dâng tấu sớ lên Hán Cảnh Đế đề nghị lập Lịch cơ làm hoàng hậu. Cảnh Đế cho rằng các đại thần bị Lịch cơ xúi giục nên ra lệnh xử tử bà ta và phế truất thái tử. Sau đó lập Vương thị làm Kế hậu và phong Lưu Triệt làm Thái tử.

Tới năm 141 TCN, Hán Cảnh Đế băng hà, Lưu Triệt lên ngôi, tự xưng là Hán Vũ Đế. Vương hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu. Năm Nguyên Sóc thứ 3 (126 TCN), Hoàng thái hậu Vương thị băng thệ, được hợp táng với Hán Cảnh Đế ở Dương lăng, thụy hiệu là Hiếu Cảnh Hoàng hậu.

Về phần người con gái riêng của Vương Thái hậu, mãi tới sau này, đại thần Hàn Yên bẩm báo với Hán Vũ Đế. Hoàng đế biết tin liền lệnh cho xe tới rước vào cung trình diện. Sau đó, Hán Vũ Đế cấp cho chị mình 10.000 quan tiền, 100 kẻ hầu nô tỳ và 100 mẫu ruộng. Bên cạnh đó, ông còn ban cho chị mình phong hiệu Tu Thành quân.

Theo Nguyệt Phạm/Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/my-nhan-phu-bac-chong-con-de-vao-cung-sau-nay-khien-hoang-de-pha-le-loi-phan-ung-nghiem/20220329085527750