Mỹ-Nhật sẽ 'chơi' như thế nào trên 'bàn cờ RCEP', nơi Trung Quốc đang có lợi thế?
Trung Quốc có lợi thế trong RCEP, gia tăng ảnh hưởng của nước này đối với trật tự kinh tế châu Á. Trong bối cảnh đó, Mỹ và Nhật Bản cần phải đưa ra những ý tưởng mới như thế nào?
Theo tờ Nikkei Asia, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại lớn nhất thế giới bao trùm 30% nền kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay.
RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
“Bàn cờ” lớn ở châu Á-Thái Bình Dương
Ông Zbigniew Brzezinski, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, từng gọi Lục địa Á-Âu (Eurasia) là "bàn cờ lớn" để Liên Xô chống lại phương Tây. Giờ đây, một bàn cờ lớn khác đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và thế giới tự do ngày càng trở nên gay gắt.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ nỗ lực khởi động Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một công cụ để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược đó đã sụp đổ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút nước này ra khỏi TPP vào năm 2017.
Nhật Bản đã nỗ lực cứu vãn TPP bằng cách thúc đẩy một thỏa thuận gồm 11 thành viên được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, không có Mỹ, CPTPP trở thành một thỏa thuận có quy mô khiêm tốn hơn khi chỉ chiếm hơn 10% kinh tế toàn cầu. Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc "phản công" thông qua RCEP.
Với RCEP, các quốc gia thành viên sẽ xóa bỏ thuế đối với 91% danh mục hàng hóa, thấp hơn ngưỡng 99% trong TPP. Bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn này, Trung Quốc nhấn mạnh vào việc cho phép càng nhiều quốc gia tham gia càng tốt, do đó nắm quyền chủ động trong thỏa thuận.
Việc Ấn Độ quyết định không tham gia RCEP là một yếu tố bất lợi cho Nhật Bản. Tokyo đã từng kỳ vọng rằng quốc gia Nam Á sẽ đóng vai trò như đối trọng với ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, do lo ngại hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Ấn Độ, New Delhi đã quyết định không tham gia RCEP.
Một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra trong chính phủ Nhật Bản về việc có nên ủng hộ một RCEP do Trung Quốc lãnh đạo hay không. Nhưng quan ngại về một trật tự kinh tế mới hình thành mà không có sự tham gia của Nhật Bản cuối cùng đã chiến thắng.
Dù vậy, bước tiếp theo khá nan giải. Nhật Bản vẫn tiếp tục vận động Ấn Độ tham gia RCEP, nhưng đó là vấn đề khó khăn. Đề cập Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói: "Tôi cảm thấy không có sự nhiệt tình nào từ chính quyền ông Modi".
Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi "chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu", trong đó ưu tiên các lợi ích của dân thường và người lao động.
Tổng thống Biden cho biết, ông sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại lớn nào mà không có sự ủng hộ của người dân Mỹ, nhấn mạnh ông sẽ chỉ ký kết những thỏa thuận mà công đoàn và các bên liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định.
Điều này cho thấy Tổng thống Biden đang phải đối mặt với một trở ngại lớn trong việc gia nhập CPTPP, vốn bị chỉ trích vì tạo thuận lợi cho các tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác theo chủ nghĩa tự do kinh tế và dân chủ không muốn một trật tự kinh tế mà trong đó, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn.
Mỹ và Nhật sẽ ‘chơi’ như thế nào?
Để ngăn chặn hậu quả này, Mỹ cần phải can dự vào khu vực về mặt kinh tế và phải tìm ra cách nào đó để tăng cường sự phối hợp giữa các đồng minh và các quốc gia thân thiện. Có hai điều có thể hoàn thành trong ngắn hạn:
Điều thứ nhất là xây dựng một hiệp định kinh tế đa phương dựa trên một khái niệm mới.
Các hiệp định thương mại thông thường, bao gồm cả TPP, được soạn thảo tập trung vào hàng hóa và có xu hướng làm trầm trọng thêm xung đột lợi ích giữa các quốc gia và các ngành.
Mặc dù các hiệp định như vậy giúp tự do hóa thương mại và thúc đẩy cải cách kinh tế trong dài hạn, nhưng trong hiện tại, khi mà sự kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, sẽ là thực tế nếu bắt đầu từ những lĩnh vực mà tất cả các bên có thể dễ dàng chấp thuận.
Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và đồng kiến trúc sư của "chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu", ủng hộ việc từ bỏ chính sách ngoại giao kinh tế thiên về thương mại trong ngành sản xuất và nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành dịch vụ. Chuyên gia Sullivan nói rằng vẫn còn dư địa để xem xét một loại hiệp định khác.
Matthew Goodman, Phó Chủ tịch Cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS), chỉ ra khả năng Mỹ có thể tập hợp các quốc gia cùng chí hướng để tạo ra các quy tắc bao trùm công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu và thương mại điện tử.
Các quy định như vậy vẫn đang được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) xây dựng, và những nỗ lực này có thể chuyển thành một thỏa thuận toàn diện.
Một thỏa thuận điều chỉnh không gian kỹ thuật số sẽ hạn chế căng thẳng về cách phân chia "chiếc bánh" có hạn. Đưa ra các quy tắc cho kỷ nguyên mới cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho việc chuyển đổi nền kinh tế.
Điều thứ hai là một biện pháp khác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, trước mắt là tăng cường quan hệ kinh tế giữa các quốc gia trong nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Đối thoại An ninh Bộ tứ là một khuôn khổ làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa các thành viên của thế giới tự do.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ tứ vẫn chủ yếu nghiêng về lĩnh vực an ninh, chẳng hạn như tiến hành các cuộc tập trận chung Malabar ở Vịnh Bengal và Biển Arab vào tháng 11 năm ngoái.
Nếu các hoạt động của Bộ tứ mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, cách tiếp cận này có thể trở thành công cụ hiệu quả để khuyến khích các nền kinh tế tự do "bám rễ" vững chắc ở châu Á, bao gồm cả các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.
Bốn quốc gia này đã bắt đầu hợp tác về cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như truyền thông dữ liệu và năng lượng, thông qua các cơ quan liên quan.
Các nhà lãnh đạo của Bộ tứ đã xác nhận rằng họ sẽ làm sâu sắc hơn đối thoại về các chuỗi cung ứng công nghệ cao quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 3/2021.
Nếu các nỗ lực tạo ra chuỗi cung ứng "không có Trung Quốc" được đẩy nhanh, Ấn Độ dự kiến sẽ tự đảm nhận một phần nỗ lực này. Các nước châu Âu cũng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với Bộ tứ.
Ở giai đoạn này của trò chơi, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc chỉ là những cuộc giao tranh cục bộ. Nhưng trong tương lai, bàn cờ sẽ nhanh chóng mở rộng.
Để thách thức Trung Quốc, khối cần một chiến lược lớn. Khối này sẽ cần phải sắp xếp các quân cờ một cách cẩn trọng nhưng vẫn sáng tạo, với tầm nhìn vào nhiều quốc gia cũng như các khuôn khổ kinh tế và an ninh của khu vực.
(theo Nikkei Asia)