Mỹ nỗ lực đối phó làn sóng tin giả trước thềm bầu cử

Các tổ chức như Associated Press (AP), CNN, Fox News và ABC đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó đối với những luồng thông tin sai lệch hay các phát ngôn vô căn cứ về kết quả của cuộc bầu cử.

Associated Press, tổ chức đã đảm nhận trách nhiệm kiểm phiếu trong các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1848, khẳng định họ đã lên kế hoạch xử lý những luồng thông tin sai lệch khi cuộc bầu cử diễn ra. Theo Anna Johnson, Giám đốc Văn phòng Washington của AP, tổ chức này sẽ tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác và dễ hiểu cho công chúng.

Mỹ nỗ lực đối phó làn sóng tin giả trước thềm bầu cử. Ảnh: ABC

Mỹ nỗ lực đối phó làn sóng tin giả trước thềm bầu cử. Ảnh: ABC

Fox News, một trong những kênh truyền hình cáp phổ biến nhất tại Mỹ, đã bắt đầu sử dụng công nghệ hiện đại để cải thiện đồ họa và giúp khán giả dễ dàng theo dõi mức độ chênh lệch của các cuộc bỏ phiếu tại nhiều bang khác nhau. Năm 2020, Fox là kênh truyền hình đầu tiên kêu gọi Arizona bầu cho ông Joe Biden — một động thái khiến những người ủng hộ ông Trump vô cùng tức giận.

Tuy nhiên, Arnon Mishkin, người quản lý tại Fox, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quyết định đó và không cảm thấy bất kỳ áp lực nào từ những cuộc tranh cãi. Ông khẳng định Fox luôn đảm bảo tính chính xác của nguồn tin đã công bố.

Không chỉ thông báo kết quả bầu cử, các công ty truyền thông lớn còn cung cấp thông tin về cuộc đua ở các tiểu bang thông qua dữ liệu thăm dò. Quá trình này tương đối phức tạp do sự khác biệt về các thủ tục và công nghệ bầu cử giữa những tiểu bang, và thậm chí giữa các quận trong cùng một tiểu bang. Việc xử lý và xác minh thông tin đòi hỏi nỗ lực lớn, đặc biệt khi cựu Tổng thống Trump vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố vô căn cứ.

Đảng Cộng hòa có kế hoạch cử hàng nghìn tình nguyện viên theo dõi cáo buộc gian lận vào đêm bầu cử. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của Gallup trong tháng này, niềm tin vào phương tiện truyền thông đại chúng đã đạt mức thấp kỷ lục.

David Chalian, giám đốc chính trị của CNN, cho rằng thuốc giải tốt nhất cho thông tin sai lệch chính là việc đưa ra thông tin thực tế và có căn cứ. CNN sẽ cử đội ngũ nhân viên đến các bang quan trọng để theo dõi quá trình bỏ phiếu nhằm đảm bảo đưa ra thông tin đầy đủ và chính xác nhất.

ABC News đã thành lập đội ngũ chuyên giám sát các cuộc bầu cử trên toàn quốc. Rick Klein, giám đốc chính trị của ABC, cho biết họ sẽ thường xuyên thông báo với đọc giả về cả những thông tin đã biết và chưa biết nhằm giúp công chúng hiểu rõ rằng có những điều chưa thể xác định ngay trong đêm bầu cử. Ông nhấn mạnh nhiều sự cố xảy ra trong ngày bầu cử là điều bình thường và không nhất thiết là dấu hiệu của hành vi sai phạm.

Các công ty đang chuẩn bị cho một đêm bầu cử có thể không có người chiến thắng rõ ràng. Năm 2020, phải mất bốn ngày để các phương tiện truyền thông tuyên bố việc ông Biden đã đánh bại ông Trump, điều này khiến người Mỹ hồi hộp chờ đợi phiếu bầu được kiểm ở Pennsylvania.

Mishkin dự đoán thời điểm có kết quả rõ ràng nhất là vào sáng thứ Bảy do thời gian kiểm phiếu ở bang quan trọng Pennsylvania tương đối lâu.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-no-luc-doi-pho-lan-song-tin-gia-truoc-them-bau-cu.html