Mỹ ồ ạt triển khai 6 'Pháo đài bay' B-52 tới châu Âu để đối phó Nga
Mới đây, Mỹ đã cho 6 chiếc máy bay ném bom chiến lược 'Pháo đài bay' B-52H tới một căn cứ không quân của Anh. Những chiếc máy bay ném bom tầm xa này sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ huấn luyện, đồng thời thực thi cam kết hiệp trợ bảo vệ các nước đồng minh trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc bố trí cùng lúc tới 6 chiếc B-52H ở châu Âu lần này là lần có quy mô lớn nhất trong vòng 16 năm trở lại đây.
Hôm 14.3, phi đội 6 chiếc B-52H này xuất phát từ căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana đã đến căn cứ Không quân Hoàng gia Anh Fairford – căn cứ tác chiến tiền tiêu của không quân chiến lược Mỹ ở châu Âu.
Bà Oana Lungescu, người phát ngôn của NATO đã hoan nghênh việc bố trí này của phía Mỹ. Bà nói: “Đây là sự triển khai có tính định kỳ, nhưng nó thể hiện chiếc ô hạt nhân (Nuclear Umbrella) của Mỹ đang bảo vệ châu Âu và cho thấy khả năng đặc biệt của Mỹ khi đối phó với nguy cơ mà châu Âu phải đối mặt. Việc triển khai bố trí các máy bay ném bom chiến lược B-52H cũng là một biểu hiện tượng trưng khác cho sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với Liên minh NATO”.
Máy bay B-52H là loại máy bay ném bom chiến lược “cổ lỗ” được nghiên cứu chế tạo từ giữa thế kỷ 20. Nó là loại máy bay ít có trên thế giới sử dụng tới 8 động cơ turbin phản lực TF-33, có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Nó đã có hơn nửa thế kỷ phục vụ từ thập niên 1950 đến nay. Đây cũng là loại máy bay hiếm hoi có tuổi đời hơn 50 năm của quân đội Mỹ. Hiện nay, theo kế hoạch của không quân Mỹ, các máy bay B-52H này có thể được sử dụng đến tận sau năm 2040. Điều đó có nghĩa là các máy bay B-52H này có thể phục vụ liên tục tới hơn 90 năm.
Các máy bay ném bom chiến lược B-52H này có thể hoạt động đến tận sau năm 2040.
Kể từ năm 2014, không quân Mỹ mỗi năm đều ít nhất 1 lần triển khai các loại máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2 hoặc B-52 tới căn cứ Fairford và tiến hành diễn tập chung với lực lượng NATO. Nhưng việc bố trí B-52 tới châu Âu lần này là đợt có quy mô lớn nhất kể từ chiến dịch “Tự do cho Iraq” (Operation Iraq Freedom) năm 2003.
Đợt triển khai này sẽ trắc nghiệm khả năng của những chiếc máy bay ném bom B-52H thực thi nhiệm vụ ở ngoài căn cứ không quân Fairford và để các phi hành đoàn làm quen với nhiệm vụ tác chiến ở châu Âu, trong đó bao gồm biển Na Uy, biển Baltic và Địa Trung Hải.
Ngay sau khi tới châu Âu, các máy bay B-52H này đã bắt đầu nhiệm vụ huấn luyện hàng ngày. B-52H là loại máy bay ném bom đường dài mang tính uy hiếp, mục tiêu rõ ràng là nhằm vào nước Nga. Bản tin do không quân Mỹ công bố hôm 14.3 cho biết, lần bố trí B-52 này cũng bao gồm cả việc tham gia huấn luyện chung với Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ (U.S. European Command) để cải thiện khả năng hỗ trợ của các máy bay chiến lược.
Mấy ngày gần đây, hành tung của các máy bay B-52 này đã xuất hiện tại nhiều khu vực châu Âu, trong đó có Estonia, Rumania và vùng biển Baltic ở gần biên giới Nga. Quân đội Nga thường xuyên phát hiện thấy các máy bay của không quân các nước NATO bay trên vùng trời biển Baltic, nhưng rất hiếm khi xuất hiện các máy bay ném bom. Các quan chức phòng không của Nga cho biết, lần gần nhất họ phát hiện máy bay B-52 hoạt động trên vùng trời biển Baltic là vào năm 2017.
Thông tin về chiếc B-52H hoạt động trên vùng trời Estonia.
Trang tin Đông Phương cho biết, hôm 15.3, 1 chiếc B-52H đã bay tới gần biên giới phía Tây nước Nga, nhưng đã bị hệ thống phòng không của Nga bám sát và khóa chặt nên phải quay đầu. Có tin chiếc máy bay này khi đó đang tập mô phỏng tấn công căn cứ hạm đội của Nga. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 bố trí tại Kaliningrad đã thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói, chiếc máy bay B-52H này đã mở máy cảm ứng bay trên không phận quốc tế vùng biển Baltic, cách biên giới Nga khoảng 150km. Sau khi máy bay phát hiện bị hệ thống tên lửa trực ban của Nga bám chặt và khóa thành công, nó đã quay đầu tháo lui. Tin tức trên mạng xã hội cho biết, chiếc B-52H này mang số hiệu 61-0009 xuất hiện hồi 16h25 phút (giờ Moscow) tập mô phỏng công kích căn cứ Hạm đội Baltic ở thành phố Kaliningrad.
Đêm ngày 18.3, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, cùng ngày hôm đó (18.3), nhiều chiếc B-52 đã xuất hiện xung quanh nước Nga. Trong đó, chiếc có số hiệu 60-0061 đã xuất hiện trên bầu trời Estonia, lúc gần nhất chỉ cách Saint Peterburg không tới 200km. Chiếc mang số hiệu 61-0015 xuất hiện trên vùng trời Rumania và nhận tiếp dầu trên không. Ngoài ra, ít nhất 1 chiếc khác xuất hiện trên vùng trời biển Barents.
Chiếc B-52H được máy bay KC-135 tiếp dầu trên bầu trời Rumania.
Đây chưa phải là toàn bộ câu chuyện, 2 chiếc B-52H khác cùng ngày cất cánh từ đảo Guam bay về phía Bắc tới vùng trời phía Đông bán đảo Kamchatka của Nga. Cũng tức là, ngày hôm đó, các máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ đã xuất hiện xung quanh nước Nga, tại các khu vực biển Barents, biển Baltic, Biển Đen và Thái Bình Dương. Sau đó, Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ đã xác nhận, các máy bay B-52 ngày hôm đó đã đồng thời tiến hành bay huấn luyện trong phạm vi của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh châu Âu.
Đáng chú ý, ngày 18.3 là ngày kỉ niệm 5 năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cùng ngày hôm đó, Nga đã quyết định bố trí nhiều chiếc máy bay ném bom chiến lược TU-22M3 tại Crimea để đáp lại việc Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa tại Rumania nhằm làm thay đổi thế cân bằng quân sự trong khu vực.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga là mối đe dọa đối với các máy bay B-52
Giới quan sát cho rằng, sau khi Mỹ và Nga lần lượt tuyên bố chấm dứt thực hiện Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), quan hệ hai nước gần đây đã xấu đi nhanh chóng. Các quan chức Lầu Năm Góc tuần trước chứng thực, Mỹ đã tiến hành phục hồi sức chiến đấu của các tên lửa hạt nhân tầm trung theo 2 bước: bước thứ nhất, vào tháng 8 tới sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo trên bộ có tầm bắn 1.000km; bước 2, vào tháng 11 sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo trên bộ có tầm bắn 3-4.000km. Có tờ báo Mỹ cho rằng, loại tên lửa phóng thử vào tháng 8 tới đây có thể chính là loại tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất mà Mỹ đã bố trí ở Tây Âu hồi những năm 1980.
Ngày nay, nói đến tên lửa Tomahawk, rất nhiều người chỉ nghĩ đến loại tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm. Trên thực tế, trước khi Hiệp ước INF được ký, các tên lửa Tomahawk đã có thể được phóng từ mặt đất. Các đoạn phim tư liệu quay năm 1982 cho thấy các tên lửa Tomahawk phóng từ đất liền có thể bay bám theo địa hình, sử dụng địa hình địa vật yểm hộ, mỗi đơn vị phóng gồm 4 xe phóng cơ động hợp thành, mỗi xe mang 4 đạn, cả 8 bánh xe đều có cầu riêng khiến chúng có tính cơ động cực tốt.