Mỹ phẩm giả lộng hành, cảnh giác chất gây ung thư
Hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm bị làm giả vừa được cơ quan chức năng phát hiện một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự lộng hành và mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này.
Chuyên gia y tế cảnh báo, khi sử dụng mỹ phẩm có chứa các thành phần không đúng quy định về lâu dài sẽ gây ung thư da.
Thật - giả lẫn lộn trên chợ mạng
Thị trường mỹ phẩm trực tuyến hiện đang bùng nổ với hàng nghìn sản phẩm được rao bán mỗi ngày trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Điều đáng nói, giá các sản phẩm này chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/10 so với hàng chính hãng và được quảng cáo là hàng xách tay từ nước ngoài.

Đủ loại mỹ phẩm được rao bán với giá rẻ chỉ rằng 1/3 so với hàng chính hãng. Ảnh chụp màn hình
Trong vai khách mua hàng, phóng viên Báo Hànôịmới đã liên hệ với tài khoản Facebook có tên K.S.M.P.5. Trên trang này rao bán đủ loại mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, được quảng cáo là hàng xách tay từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Australia… và chủ yếu bán sỉ cho dân buôn với giá rất rẻ.
Chẳng hạn như kem chống nắng CNP Laboratory có giá 70.000 đồng/tuýp, trong khi cũng sản phẩm này thị trường hiện bán với giá từ 260.000 đồng đến 270.000 đồng/tuýp; nước hoa hồng Lancôme 125ml có giá bán 120.000 đồng/tuýp (thị trường có giá là 270.000 đồng đến 300.000 đồng/tuýp); serum chống lão hóa Esteé Lauder 100ml có giá 170.000 đồng/lọ (thị trường bán 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/lọ)…
Mặc dù trang Facebook này khẳng định: “Hàng chính hãng - ở đây không bán mỹ phẩm “fake” - Kịch liệt tẩy chay mỹ phẩm “fake””, thế nhưng, khi phóng viên hỏi về chất lượng, nguồn gốc của những sản phẩm mỹ phẩm nói trên thì người bán lại “lặn mất tăm” không hồi âm.
Thậm chí, khi tìm từ khóa son Chanel - một thương hiệu mỹ phẩm cao cấp nổi tiếng trên thế giới, phóng viên dễ dàng tìm thấy được có những trang Facebook bán sản phẩm này chỉ với mức giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều kho mỹ phẩm “khủng” không rõ nguồn gốc, được làm giả.
Mới đây, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một số tài khoản Shopee và Tiktok quảng cáo, rao bán các loại mỹ phẩm như: Khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da… từ đối tượng sản xuất là Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang).

Cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả vừa được phát hiện. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang
Kiểm tra nhà của Khánh, cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng này và một người khác khi đang sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả. Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ 13 loại mỹ phẩm khác nhau, với tổng gần 2.500 sản phẩm thành phẩm như: Kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn; lăn khử mùi… Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thu giữ hơn 100.000 tem chống hàng giả, nhãn mác các loại; gần 10.000 chai, lọ; 300kg nguyên liệu là phèn chua, dung dịch pha chế...
Trước đó, qua kiểm tra một kho hàng ở đường Trương Hán Siêu, phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã phát hiện hơn 10.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại (gồm: Dầu gội, tinh dầu dưỡng tóc, thuốc nhuộm, dung dịch trợ nhuộm, dầu xả collagen, kem hấp, kem ủ, mặt nạ, sữa tắm, hóa chất uốn tóc, keo uốn tóc, dung dịch uốn…) trị giá khoảng 2 tỷ đồng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Nguy cơ từ mỹ phẩm trôi nổi
Trước tình trạng mỹ phẩm giả lộng hành, nhiều người tiêu dùng phản ánh về việc, họ mua phải mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, dẫn đến các vấn đề về da như: Dị ứng, bị kích ứng, nổi mẩn hoặc tổn thương nghiêm trọng.
Nghe bạn bè giới thiệu một shop mỹ phẩm xách tay uy tín, chị L.T.T.T (29 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã tìm đến và mua hai lọ kem dưỡng da được quảng cáo hàng xách tay của Pháp. Thế nhưng, khi sử dụng mỗi ngày từ 2-3 lần liên tục trong một tuần, chị T tá hỏa khi vùng da mặt xuất hiện rất nhiều mụn, thậm chí có chỗ bị sưng tấy, ngứa rát... Chị đã phải đến Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị.
Tương tự, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 5 đến 11-5), Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu trung ương) đã tiếp nhận 2-3 bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm bị viêm da kích ứng phải nhập viện, trong đó có một thai phụ.
Theo thông tin từ bệnh viện, thai phụ này bị mụn trứng cá trên mặt gây mất thẩm mỹ. Khi mang thai, tình trạng mụn trứng cá càng nặng hơn và thai phụ được người quen tư vấn sử dụng một loại mỹ phẩm để điều trị mụn. Thế nhưng, sau khi bôi xong, da mặt bị kích ứng, đỏ, ngứa rát nhiều. Lo lắng, thai phụ dừng sử dụng và tìm đến một sản phẩm dưỡng da khác để thay thế. Hậu quả là nữ bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì toàn bộ khuôn mặt phủ kín mụn mủ như “bánh đa kê” và chảy dịch rất nặng nề...

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu trung ương) kiểm tra da cho một cô gái. Ảnh: Thu Trang
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám do gặp tình trạng bất thường sau khi sử dụng mỹ phẩm là rất cao.
Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh: Có những sản phẩm bệnh nhân mang đến chỉ ghi tên, không ghi thành phần, hoạt chất, hay có những sản phẩm “nhái” mang nhãn mác giống y như hàng thật, thậm chí có cả tem chống hàng giả nên rất khó để nhận biết. Với những sản phẩm này, khi bệnh nhân sử dụng và gặp phản ứng, bác sĩ không thể biết thành phần bên trong là gì nên phải điều trị “mò”.
Ở Việt Nam, các kim loại nặng không được phép cho vào mỹ phẩm là chì, thủy ngân và asen (thạch tín). Thế nhưng, với các sản phẩm mỹ phẩm tự chế, tự pha trộn thường cho thêm corticoid hoặc kim loại nặng để có tác dụng giảm viêm, trị mụn, chống lão hóa hoặc làm trắng da, nhưng lại mang đến những hậu quả rất nặng nề với người sử dụng.
“Thủy ngân và corticoid là hai thành phần thường được sử dụng nhiều trong các sản phẩm làm đẹp. Nếu đưa vào sản phẩm quá nhiều thủy ngân (khoảng 10%) với mục đích làm trắng da nhanh thì rất độc hại. Hay corticoid là loại thuốc bán theo đơn vì có khoảng 40 tác dụng phụ tại chỗ. Khi chất này được bổ sung quá nhiều trong sản phẩm làm đẹp cũng sẽ gây nhiều tác dụng phụ”, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh cảnh báo.

Dụng cụ và các chất sử dụng sản xuất mỹ phẩm giả. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang
Riêng với các loại mỹ phẩm có chứa kim loại nặng, hầu như da không có phản ứng tức thì mà tiến triển âm thầm, lâu dài. Điều này nguy hại tới sức khỏe người dùng, đặc biệt là gây nguy cơ ung thư da.
“Với sản phẩm có chứa asen thường không biểu hiện ngay, phải sử dụng trong thời gian dài khoảng 10 năm mới có thể gây ung thư da. Biểu hiện ung thư da trong trường hợp ngộ độc asen rất rõ, thường xuất hiện đa ung thư - tức là ung thư xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể”, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh lưu ý thêm.
Trước thực tế trên, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo đến sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn... Đặc biệt, tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội nhằm phát hiện, xử lý việc sản xuất, kinh doanh trái phép, nghi ngờ giả.
Để tránh “tiền mất, tật mang”, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh khuyến cáo, người dân không nên mua những sản phẩm làm đẹp, trị liệu một cách tùy tiện mà cần phải có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, chuyên gia.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/my-pham-gia-long-hanh-canh-giac-chat-gay-ung-thu-702438.html