Mỹ phẩm - 'mê cung' trong công nghệ làm đẹp

Chưa khi nào mà tính đại chúng của mỹ phẩm lại tăng nhanh và có độ bao phủ rộng như hiện nay. Thị trường mỹ phẩm càng sôi động thì càng chứng tỏ làm đẹp đang trở thành nhu cầu thiết yếu của cả hai giới. Tuy nhiên, thế giới mỹ phẩm ví như một 'mê cung', mà nếu thiếu tỉnh táo, thiếu kiến thức, người tiêu dùng rất dễ bị sảy chân và gánh đủ hậu quả.

Thị trường mỹ phẩm tại TP Thanh Hóa khá sôi động với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm ngoại.

Từ thị trường ảo đến thị trường thực

Nếu là người yêu thích mỹ phẩm thì việc tham khảo giá cả và chất lượng mỹ phẩm trên các kênh bán hàng facebook, youtube hay các trang web đã quá quen thuộc. Đặc biệt gần đây, không ít livestream về mỹ phẩm do những người nổi tiếng là các diễn viên, ca sĩ thực hiện, càng thu hút đông đảo người xem, bình luận, chia sẻ và mua hàng. Quả thật, khó mà phủ nhận được sức hút của các livestream này, khi người xem được chứng kiến tận mắt các thao tác sử dụng sản phẩm, hiệu quả gần như tức thì và người bán chứng minh chất lượng mỹ phẩm bằng một “gương mặt mới” sau trang điểm; hoặc bằng làn da trong mướt, trắng sáng và căng bóng đang ao ước của chính họ. Bên cạnh chất lượng thường không chê vào đâu được do người bán khẳng định, thì “chiêu” giảm giá khủng, giảm giá thanh lý cũng là cách người bán thu hút người mua. Mặc dù vậy, chất lượng và hiệu quả thực sự của các sản phẩm này, liệu có được như quảng cáo hay không thì cũng khó mà đánh giá. Thậm chí, thay vì hiệu quả, người mua sẽ gánh đủ hậu quả nếu mà rước về hàng giả, hàng kém chất lượng hay kem trộn đội lốt mỹ phẩm cao cấp.

Thêm một xu hướng lựa chọn mua mỹ phẩm online hiện nay là tìm trên các trang mua sắm trực tuyến lớn, uy tín như sendo, lazada, shopee... Mỹ phẩm trên các website này khá phong phú, đến từ nhiều thương hiệu lớn và nhờ vào uy tín của đơn vị cung cấp dịch vụ, nên đã tạo được niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, theo Hà Anh – một bạn trẻ có khá nhiều kinh nghiệm mua sắm online, thì nhiều khi mua hàng trên các web cũng gặp phải hàng giả “dạt” vào. Những rủi ro khi mua hàng online đã được cảnh báo và cũng có không ít ví dụ “cười ra nước mắt”. Thế nhưng, do sự tiện lợi và phong phú của nó, nên không vì thế mà xu hướng này hạ nhiệt. Khi mà mỹ phẩm online vàng thau lẫn lộn, thì bên cạnh việc tìm kiếm các trang thương mại điện tử cung cấp sản phẩm uy tín; nhiều người đang mua cả sự may mắn, niềm tin và “cái tâm” của người bán.

Vài năm gần đây, vấn nạn mỹ phẩm giả tràn lan thị trường đã không còn xa lạ gì. Thi thoảng sau vài vụ mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phanh phui và dư luận dấy lên sự quan ngại, thì tất cả lại mau chóng “chìm xuồng”. Vì sao mỹ phẩm giả “càng chống càng sống”? Điều này phải chăng xuất phát từ chính cái quy luật cung - cầu, tức là có cầu ắt có cung? Bấy lâu nay, mỹ phẩm hàng chợ hay mỹ phẩm hàng hiệu giá chợ đã quá phổ biến và người tiêu dùng mặc nhiên thừa nhận đó là kênh cung cấp mỹ phẩm. Đến hầu hết các chợ lớn, nhỏ đều không khó để tìm các gian hàng bày bán đủ các loại mỹ phẩm từ Việt đến Nhật, Hàn, Pháp, Mỹ... Loại gì cũng có, từ cao cấp đến bình dân và đa số giá cả đều khá mềm. Đơn cử như một cây son 3CE có giá khoảng 300 nghìn đồng, mua tại chợ giá dao động từ 140-150 nghìn đồng; hoặc cây son MAC đình đám có giá từ 500-600 nghìn, thì khách có thể mua với mức giá ưu ái là 250-270 nghìn đồng, tùy vào khả năng trả giá và tâm tình của người bán. Mỹ phẩm càng nổi tiếng, càng tạo xu thế thì càng dễ bị làm giả.

Ngược lại với kênh bán mỹ phẩm tại các chợ - vốn chứa nhiều rủi ro và chất lượng là câu hỏi lớn không lời đáp - thì một xu hướng mua mỹ phẩm có vẻ bảo đảm hơn, là qua các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm chính hãng, hoặc các cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm xách tay. Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện đã xuất hiện khá nhiều các cửa hàng mỹ phẩm như vậy. Sản phẩm ở đây đều được người bán giới thiệu là hàng chính hãng, được mua tại nước sở tại, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, hoặc được nhập khẩu từ các doanh nghiệp, nên rất chất lượng, uy tín. Đây được ví như “thiên đường mỹ phẩm”, khi xuất hiện đủ các thương hiệu nổi tiếng đến từ các cường quốc mỹ phẩm trong khu vực và thế giới, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ. Đặc biệt, các hottrend – những dòng mỹ phẩm đang tạo xu hướng hay làm mưa làm gió trên thị trường, cũng dễ dàng tìm thấy tại những cửa hàng này.

Không thể phủ nhận, các cửa hàng chuyên mỹ phẩm ngoại này rất dễ lấy được cảm tình của khách hàng là phụ nữ. Chị Phạm Thanh Hương (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), một tín đồ làm đẹp rất yêu thích các dòng mỹ phẩm từ Hàn Quốc, cho biết: Mình biết đến các loại mỹ phẩm này qua nhiều kênh như quảng cáo trên truyền hình, phim ảnh, qua các Beauty vlogger (các kênh youtube chuyên về làm đẹp), qua chia sẻ của bạn bè, người thân và bằng sự trải nghiệm của bản thân. Các loại mỹ phẩm này khá bắt mắt về hình thức, phong phú về chủng loại, phù hợp với nhiều loại da, có thể mang đến nhiều sự lựa chọn và giá cả cũng khá phù hợp với nhiều túi tiền.

Tuy nhiên, với những loại mỹ phẩm đình đám, được giới thiệu là hàng xách tay hay hàng ngoại chuẩn, thì người mua cũng cần xem xét, cân nhắc kỹ trước khi quyết rút hầu bao cho công cuộc làm đẹp. Có dịp trao đổi với chủ cửa hàng mỹ phẩm trên đường Trường Thi, TP Thanh Hóa, tôi được chị chia sẻ: Không phải cứ có tiền là thích mua bao nhiêu cũng được. Vì các nước đều có quy định về việc mua mỹ phẩm với số lượng lớn. Cụ thể, nếu muốn mua số lượng lớn, thường phải thông qua một công ty trung gian. Còn nếu giới thiệu là hàng xách tay mà có số lượng lớn, muốn bao nhiêu cũng có, thì khách hàng cần phải cảnh giác về xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Chuyện chưa có hồi kết...

Nếu trước đây, khi nói đến mỹ phẩm người ta thường nghĩ đến một vài loại phổ biến như son, phấn phủ, chỉ kẻ mắt, chì kẻ mày, mascara... thì hiện nay, khái niệm mỹ phẩm đã mở rộng nội hàm, với vô vàn chủng loại, giá cả, chất lượng khác nhau. Đứng trước sự lựa chọn vô cùng đa dạng này, có một tiêu chí được không ít phụ nữ dựa vào, đó là giá. Giá cao đồng nghĩa với chất lượng cao và ngược lại. Điều này cũng có cơ sở của nó khi nhiều dòng mỹ phẩm được cho là đình đám, cũng thường có cái giá không hề rẻ. Chẳng hạn, để mua được vài món cơ bản trong bộ mỹ phẩm “thần thánh” SKII Nhật Bản, người mua phải bỏ ra cả chục triệu đồng. Trong đó, nước tẩy trang có giá gần 2 triệu đồng/250ml, nước hoa hồng gần 2,5 triệu đồng/100ml, nước thần gần 4,6 triệu đồng/230ml, trị nám mờ thâm có giá gần 4 triệu đồng/50ml, serum chống lão hóa có mức giá khoảng 3,2 triệu đồng/30ml... Tất nhiên, đây chỉ là một mức giá có tính tham khảo, vì nếu tìm thông tin về loại mỹ phẩm này trên mạng, ta sẽ hoa mắt vì không biết mức giá nào là đúng, vì có thể sẽ rẻ hơn nhiều hoặc đắt hơn đôi chút.

Tuy nhiên, theo một số người mua hàng có kinh nghiệm, thì cũng cần tỉnh táo khi mua hàng tại các cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm ngoại. Bởi, dù là mỹ phẩm xách tay qua đường tiểu ngạch hay mỹ phẩm nhập khẩu qua đường chính ngạch, thì trước hết cũng cần biết được nguồn gốc hàng hóa. Vì nếu không cẩn thận, hoặc nguồn hàng không uy tín thì rất dễ có hàng trôi nổi trà trộn vào. Hơn nữa, mỹ phẩm nội địa với mỹ phẩm xuất khẩu không phải đều giống nhau về chất lượng. Cùng một dòng mỹ phẩm nhưng nếu mua tận gốc, tại các gian trưng bày sản phẩm ở nước sở tại, thường có mức giá cao hơn so với sản phẩm được các doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam. Nếu muốn nhập hàng số lượng lớn thường phải qua một công ty trung gian. Còn nếu là hàng xách tay hay thông qua dịch vụ mua hàng hộ từ A đến Z, thì hàng thật – giả cũng rất khó kiểm soát hết.

Nhiều phụ nữ hiện đang mua và sử dụng mỹ phẩm một cách khá “bản năng”, mà không có bất kỳ cố vấn sắc đẹp nào cho họ lời khuyên bổ ích. Bên cạnh đó, tin tưởng vào quảng cáo, vào lời giới thiệu của người bán và kinh nghiệm của bạn bè, là chia sẻ của nhiều phụ nữ khi được hỏi về cơ sở hay tiêu chí lựa chọn loại mỹ phẩm. Điều này cũng dễ hiểu khi nhiều dòng mỹ phẩm có tiếng đều lựa chọn các diễn viên, ca sĩ đình đám để tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Đơn cử như dòng mỹ phẩm Laneige Hàn Quốc gắn với gương mặt đại diện là nữ diễn viên nổi tiếng và đắt giá Song Hye Kyo của “Hậu duệ mặt trời”. Điều này tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, đặc biệt là fan hâm mộ nữ diễn viên; song song với đó là làn sóng văn hóa, nhất là phim ảnh, âm nhạc đang có độ phủ rộng khắp, cũng đã cổ vũ nhiệt tình cho xu hướng sử dụng mỹ phẩm Hàn Quốc của người tiêu dùng Việt.

Nếu gõ lên công cụ tìm kiếm google cụm từ “mỹ phẩm giả”, ngay lập tức vị “giáo sư biết tuốt” này sẽ cho ra 113 triệu kết quả trong 0,33 giây. Tương tự với từ chìa khóa “dị ứng mỹ phẩm”, kết quả tìm kiếm trong 0,35 giây là 22,3 triệu. Con số đã phần nào phản ánh mặt trái của thị trường mỹ phẩm và việc sử dụng mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng hiện nay. Thế nhưng, với nhiều phụ nữ, mỹ phẩm đã trở thành vật bất ly thân, thậm chí, là phương thức giúp cải thiện nhan sắc, cũng như giúp họ tự tin hơn trong công việc và cuộc sống. Chính vì lẽ đó, khi bị cuốn vào “mê cung” mỹ phẩm - thật giả lẫn lộn, thay vì mua hàng bằng niềm tin hay bằng sự cả tin lời người bán; hãy mua bằng sự hiểu biết cơ bản về loại mỹ phẩm mà ta vẫn hàng ngày sử dụng. Đồng thời, đã đến lúc thị trường mỹ phẩm cần có sự trong sạch và đáng tin cậy hơn, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Câu hỏi này đang và sẽ luôn đặt ra cho các ngành chức năng có liên quan đến việc kiểm định chất lượng, kiểm soát thị trường, kiểm soát giá mặt hàng mỹ phẩm hiện nay.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lam-dep/my-pham-me-cung-trong-cong-nghe-lam-dep/102665.htm