Mỹ phản đối lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Mohammed Diab Ibrahim al-Masri 'vì tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người'.

Sky News đưa tin ngày 21/11, lệnh bắt giữ do Công tố trưởng Karim Khan ban hành, những nhân vật cấp cao của Israel và Hamas đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Dải Gaza và lãnh thổ Palestine.

Các tội ác này được ghi nhận trong giai đoạn ít nhất từ ngày 8/10/2023 đến 20/5 vừa qua.

Với quyết định của ICC, ông Netanyahu, ông Gallant và một số nhân vật cấp cao của Hamas trở thành nghi phạm bị truy nã trên phạm vi quốc tế. Đồng thời, lệnh bắt giữ có khả năng làm lu mờ triển vọng đàm phán ngừng bắn cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 13 tháng qua.

Trong quyết định nhất trí ban hành lệnh bắt giữ, Hội đồng thẩm phán của ICC đã viết, Hội đồng xét xử có căn cứ chứng minh những cá nhân này cố ý tước đoạt mạng sống của dân thường ở Gaza, tước đoạt những vật dụng thiết yếu cho sự sống còn của con người, bao gồm thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật tư y tế, nhiên liệu và điện.

Thủ tướng Netanyahu và các quan chức Israel đã lên án lệnh bắt giữ của ICC, gọi đây là hành động đáng xấu hổ và phản Do Thái. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích công tố viên Karim Khan và bày tỏ ủng hộ đối với quyền tự vệ của Israel trước nguy cơ bị Hamas tấn công. Hamas cũng chỉ trích lệnh bắt giữ này.

ICC cho biết việc Israel chấp nhận hay không chấp nhận thẩm quyền của tòa án là không cần thiết. Israel đã bác bỏ quyền tài phán của ICC và phủ nhận tội ác chiến tranh ở Gaza. Trên thực tế không đối tượng nào phải trình diện trước Tòa án trong thời gian tới. Bản thân Tòa án không có cảnh sát để thực thi lệnh bắt giữ, thay vào đó chỉ dựa vào sự hợp tác từ các quốc gia thành viên.

Tất cả 124 quốc gia thành viên của Quy chế Rome hiện có nghĩa vụ bắt giữ những cá nhân bị truy nã và giao họ cho Tòa án ở La Haye. Việc xét xử vắng mặt không được bắt đầu theo quy định tại Điều 63 của luật.

Tòa án không có quyền cưỡng chế mà phải tùy thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên để bắt giữ và giao nộp nghi phạm.

Tuy nhiên, hãng tin AP đánh giá, lệnh bắt giữ có thể bị hạn chế vì Israel và Mỹ, đồng minh quan trọng của Israel, không phải thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế. Hơn nữa, một số nhân vật cấp cao của Hamas trong lệnh bắt đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Cùng ngày, một phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết Mỹ phản đối quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế. Phía Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Công tố viên Tòa án đã vội vàng trong việc yêu cầu lệnh bắt giữ cũng như các lỗi quá trình dẫn tới quyết định của Tòa án. Phía Mỹ cho biết, nước này đang thảo luận các bước tiếp theo với các đối tác của mình.

Mỹ và Israel không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, tuy nhiên, chính quyền Palestine tham gia Tòa án với tư cách là Nhà nước Palestine bằng cách trở thành một bên tham gia Quy chế Rome, quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế.

Hà Kim

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/my-phan-doi-lenh-bat-giu-thu-tuong-israel-benjamin-netanyahu-460200.html