Mỹ 'phanh gấp' thuế quan, thế giới tạm 'thở phào', điều gì tiếp theo?
Kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động sau những thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã 'quay xe' tạm dừng việc áp dụng thuế quan mới trong 90 ngày. Câu hỏi đặt ra là những động thái tiếp theo của Mỹ sẽ là gì?

Ông Trump hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)
Kể từ tuần trước, tất cả sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ đều phải chịu mức thuế bổ sung 10%. Ban đầu, các mức thuế trừng phạt bổ sung (còn gọi là thuế đối ứng) dự kiến được áp dụng cho hàng chục quốc gia, bao gồm cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 9/4.
Tuy nhiên, sau đó ông Trump đã đảo ngược quyết định và tạm hoãn việc áp dụng trong 90 ngày với các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc.
Dù vậy, mức thuế tối thiểu 10% này vẫn là một sự gia tăng gánh nặng đáng kể đối với phần lớn sản phẩm. Trước đó, hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ thường chỉ chịu mức thuế trung bình dưới 3%.
Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hơn 87% trong tổng các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ năm 2023 chỉ bị đánh thuế dưới 10%.
Trong khi đó, không còn là tâm điểm chính nhưng Canada và Mexico lại là những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của ông Trump.
Bất chấp sự tồn tại của Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa từ hai nước láng giềng này (riêng sản phẩm năng lượng của Canada chịu thuế 10%).
Phía Ottawa đã bắt đầu có động thái trả đũa, trong khi Mexico tỏ ý muốn trì hoãn.
Sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã tạm lùi bước, dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm thuộc phạm vi Hiệp định USMCA. Những sản phẩm này chiếm gần 50% kim ngạch thương mại song phương giữa ba nước. Việc tạm dừng áp thuế này hiện vẫn có hiệu lực.
Tuy nhiên, chính sách thuế quan của ông Trump không chỉ nhắm vào các đối tác thương mại - ông còn muốn bảo hộ những ngành công nghiệp nội địa và khuyến khích tăng cường đầu tư trong nước.
Đây là lý do ông áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ giữa tháng Ba. Biện pháp này chủ yếu ảnh hưởng đến Canada (nhà cung cấp hàng đầu), nhưng cũng tác động tới Nhật Bản, Australia và EU.
Tương tự, mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu cũng được đưa ra với mục đích khuyến khích các nhà sản xuất đưa hoạt động lắp ráp xe và sản xuất phụ tùng trở lại Mỹ.
Với biện pháp này, Canada và Mexico một lần nữa chịu tác động dù hai nước có thể tìm cách giảm nhẹ gánh nặng thuế quan thông qua USMCA. Trong khi đó, các tập đoàn ô tô lớn đã tận dụng hiệp định thương mại này để xây dựng chuỗi cung ứng trải dài trong khu vực.
Các nhà sản xuất ô tô từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu (đặc biệt là Đức) cũng nằm trong tầm ngắm.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng có thể sớm trở thành mục tiêu khi ông Donald Trump từng đề cập đến khả năng áp thuế bổ sung đối với gỗ xây dựng (nhắm chủ yếu vào Canada), dược phẩm và chất bán dẫn.