Mỹ, Pháp và trò 'mèo vờn chuột' tại Sahel
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly mới đây tiết lộ Anh và Mỹ cuối cùng đã quyết định kéo dài sự hỗ trợ của họ cho hoạt động chống khủng bố Barkhane ở Sahel.
Tuy nhiên, việc kéo dài sự hỗ trợ của Mỹ cho chiến dịch Barkhane chỉ là một tin sốt dẻo cho những ai muốn tin rằng Hoa Kỳ sẽ giảm quân ở châu Phi nói chung và từ bỏ Sahel nói riêng. Bởi vì quyết định kéo dài này không ngạc nhiên khi Washington bổ nhiệm người phụ trách đầu tiên của Mỹ ở Sahel cho tướng Peter Phạm ngày 8-3-2020. Thông báo này ẩn chứa cuộc đấu cân não giữa Mỹ và Pháp tại đây.
Trò chơi “mèo vờn chuột” tiếp tục
Điều đáng ngạc nhiên hơn không phải là thực tế quân đội Mỹ vẫn còn ở khu vực này mà là chính Bộ trưởng Pháp đã tiết lộ nó chứ không phải Peter Phạm. Ngoài ra, không có quan chức Mỹ nào khác xác nhận hoặc bác bỏ tuyên bố của bà Florence Parly.
Trước đó, Hoa Kỳ đã tuyên bố vào ngày 17-1, thông qua Tổng tham mưu trưởng, tướng Milley, rằng họ cần hai tháng để quyết định về sự hiện diện của mình ở Sahel. Tuy nhiên, 10 tuần sau, về chủ đề này, phía Mỹ vẫn im lặng hoàn toàn.
Yếu tố đáng ngạc nhiên khác là từ ngữ được lựa chọn bởi bộ trưởng Pháp. Bà không nói về sự duy trì của Hoa Kỳ trong khu vực mà chỉ tuyên bố rằng “họ đã hoãn quyết định rút quân”. Một tuyên bố cho thấy Washington tiếp tục duy trì sự mập mờ. Giữ một thanh gươm Damocles trên đầu người Pháp luôn hữu ích để đảm bảo “sự ngoan ngoãn của một đồng minh”, đặc biệt là khi người Mỹ tiến hành chính sách “không thể đoán trước”. Tất cả sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn khi đồng minh này phụ thuộc vào hỗ trợ hậu cần của Mỹ cho tất cả các hoạt động quân sự bên ngoài.
Chiến dịch Barkhane được Tổng thống Francois Hollande khởi động vào tháng 8-2014, là hậu thân của chiến dịch Serval, cũng do vị tổng thống đảng Xã hội này quyết định 18 tháng trước đó. Chiến dịch Barkhane phối hợp với 5 nước châu Phi còn gọi là G5, chiến đấu chống các nhóm Hồi giáo vũ trang tràn xuống 5 nước trong vùng là Mali, Mauritanie, Niger, Burkina Faso và Tchad.
Trong 5 nước đồng minh này, chỉ có quân đội Tchad là thiện chiến. Phần đóng góp của Pháp, ngoài ngân sách khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, còn có 4.500 binh sĩ, chiếm phân nửa lực lượng viễn chinh của Pháp trong thời bình.
Vấn đề chủ quyền
Mỹ thực sự rất ý thức về sự phụ thuộc của Pháp. Trong phiên điều trần tại Hạ viện được tổ chức vào ngày 10-3, Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách châu Âu và châu Phi, bà Kathryn Wheelbarger, đã nêu rõ: “Những gì chúng tôi đã cố gắng làm là khuyến khích họ [Pháp] tự ra quyết định, để họ không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ”.
Do cuộc khủng hoảng y tế hiện nay và sự thiếu hụt giúp đỡ từ các đồng minh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã hiểu tầm quan trọng của những sự trợ giúp này. Ngày 30-3 vừa qua, ông nói rằng ông muốn xây dựng lại “một chủ quyền quốc gia” bằng cách xác định lại các ngành công nghiệp chiến lược. Quân đội Pháp sẽ thay đổi sau tuyên bố này? Không có gì là chắc chắn, vì Pháp theo dự báo lạc quan nhất sẽ có mức thâm hụt ngân sách tăng lên 9% trong năm 2020.
Pháp đã có những nỗ lực, đặc biệt là việc mua lại và trang bị máy bay không người lái nhưng nước này vẫn rất phụ thuộc vào Mỹ vì tất cả những gì liên quan đến việc tiếp nhiên liệu trên không, vận chuyển hậu cần cũng như giám sát và trinh sát tình báo.
Người Anh chơi đẹp
Pháp cũng được Không quân Anh giúp đỡ rất nhiều, không chỉ cho mượn 3 máy bay trực thăng Chinook, máy bay tấn công hạng nặng mà Anh còn cung cấp cho Pháp cả trăm phi công cho chiến dịch Barkhane.
Do đó, tuyên bố của bà Florence Parly cũng liên quan đến Vương quốc Anh. Nhưng, giống như Washington, London không bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Sự cam kết của họ sẽ kết thúc vào tháng 8-2020, liệu họ còn tiếp tục?
Ngoài ra, người Anh hứa sẽ đào tạo, vào tháng 8, một lữ đoàn tác chiến gồm 250 người, như một phần hỗ trợ cho Minusma (sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Mali). Nhưng họ từ chối gia nhập Takuba, một liên minh mới của các lực lượng đặc biệt châu Âu được thành lập theo sáng kiến của Pháp. Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron không thể đổ lỗi cho ai vì tờ “giấy ly hôn” Liên minh châu Âu, Brexit.
Kết quả gì?
Có thể thấy, người Anh có lẽ sẽ không còn ở lại Sahel nữa nhưng Mỹ sẽ tiếp tục chơi bài nước đôi. Khách quan mà nói, Mỹ chẳng có lợi ích gì khi rời khỏi Sahel. Về mặt chính thức, sự duy trì của họ trong khu vực, bao gồm viện trợ cho chiến dịch Barkhane, đã tiêu tốn của họ 45 triệu đô la, một con số quá nhỏ so với ngân sách 738 tỷ đô la cho quốc phòng Mỹ năm 2020.
Giữ một chân trong khu vực cũng cho phép họ cản trở mong muốn của Nga và Trung Quốc và duy trì áp lực đối với Pháp và đó không phải là không có lợi ích, vì Pháp cũng là một thành viên của Hội đồng Bảo an. Có mọi lý do để chứng minh rằng Mỹ sẽ vẫn ở lại Sahel, hơn nữa, NATO cũng mong muốn biến châu Phi thành một trong những ưu tiên của minh. Trong khi Mỹ tiếp tục chơi trò mèo vờn chuột với Pháp tại châu Phi, khu vực này đang rơi vào tình thế không thể dự đoán được cường độ của các cuộc khủng hoảng sắp tới và những biến động mà chúng sẽ tạo ra.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, tình hình không ngừng xấu đi và đã đạt đến mức độ bạo lực chưa từng thấy. Thường dân, dân quân, và đôi khi là quân đội quốc gia chết vì đạn của những kẻ khủng bố. Những người chạy trốn chiến tranh xung đột đã lên đến hàng trăm ngàn. Theo thống kê của Liên Hiệp quốc, hơn 4.000 người đã bị giết chết, đa số là thường dân, trong các vụ tấn công khủng bố trong năm 2019 tại Burkina Faso, Mali và Niger.
Bắt cóc ngày càng thường xuyên hơn, bao gồm cả các nhân vật chính trị như đã xảy ra ở Mali trong cuộc bầu cử quốc hội nước này vừa qua. Quân đội các quốc gia tham chiến chống khủng bố đã cạn kiệt nguồn lực và trên bờ vực sụp đổ. Dân chúng đang đau khổ và không thấy được ánh sáng cuối đường hầm... trong khi chỉ những kẻ trục lợi chiến tranh mới tìm thấy lợi ích ở đó.