Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ liên quan các phần tử khủng bố
Ngày 31/8, Mỹ đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) về việc kêu gọi truy tố, phục hồi và tái hòa nhập những đối tượng từng tham gia các hoạt động liên quan đến khủng bố.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết qua thư điện tử, với kết quả 14 nước ủng hộ và Mỹ phủ quyết. Kết quả bỏ phiếu đã được Đại sứ Indonesia tại LHQ, ông Dian Triansyah Djani công bố – nước đang giữ chức Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 8 và là quốc gia bảo trợ cho nghị quyết.
Mỹ cho rằng dự thảo nghị quyết không yêu cầu các nước chủ động hồi hương công dân nước ngoài - là những người đã tới Trung Đông để gia nhập tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
Tuần trước, phát biểu trong cuộc họp của HĐBA về chống khủng bố, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Kelly Craft cho rằng các nước phải hợp tác cùng nhau để ngăn chặn IS hồi sinh. Bà nhấn mạnh việc hồi hương và chịu trách nhiệm về tội ác mình đã gây ra là điều cần thiết để các tay súng nước ngoài cùng người thân vẫn ở Syria và Iraq “không trở thành hạt nhân của IS 2.0”.
Phát biểu của Đại sứ Craft ám chỉ đến các nước Tây Âu, trong đó có Anh và Pháp, là những nước đã phản đối việc hồi hương các chiến binh IS và gia đình của họ, ngoại trừ trường hợp trẻ mồ côi và một số trẻ em. Chính phủ Anh cho rằng những người đang bị giam giữ ở Syria và Iraq nên đối mặt với công lý ở đó hơn là bị xét xử ở Anh. Hiện hàng nghìn tay súng nước ngoài cùng gia đình hiện vẫn đang bị giam giữ trong các trại giam tại hai quốc gia Trung Đông này do các nước từ chối tiếp nhận lại.
Việc Mỹ phủ quyết nghị quyết của LHQ cho thấy sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa Washington và các đồng minh châu Âu, cũng như các nước Arab, những nước từ chối cam kết tiếp nhận lại các tay súng nước ngoài kể từ khi lực lượng liên minh chống khủng bố đánh bại IS hơn 1 năm trước. Đầu tháng này, các nước châu Âu đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran - một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Pháp vẫn “rất cao” khi hơn 8.000 đối tượng đang nằm trong danh sách cảnh báo quốc gia về tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, phát biểu ngày 31/8, Bộ trưởng Darmanin khẳng định nguy cơ từ những phần tử khủng bố Hồi giáo dòng Sunni là “mối đe dọa chính” mà Pháp đang phải đối mặt. Đến nay, cơ sở dữ liệu của Pháp đã ghi nhận 8.132 đối tượng bị tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan, và được coi là mối đe dọa an ninh tiềm tàng.
Lời cảnh báo của Bộ trưởng Nội vụ được đưa ra hai ngày trước khi tòa án bắt đầu phiên xét xử 14 nghi phạm với cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 1/2015 nhằm vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo, một nữ cảnh sát Pháp và một siêu thị Do Thái. Dự kiến, phiên xét xử 14 nghi phạm này sẽ diễn ra tại Paris vào ngày 2/9. Mặc dù các thủ phạm tiến hành vụ tấn công đã bị bắn hạ, song luật sư của các nạn nhân và các công tố viên khẳng định phiên tòa sẽ là một thời điểm cực kỳ quan trọng.
Phát biểu trên Đài Phát thanh France Info, công tố viên chống khủng bố quốc gia Jean-Francois Ricard bác bỏ ý kiến cho rằng những kẻ bị xét xử chỉ đóng vai trò thứ yếu. Ông khẳng định đó là những cá nhân đã tham gia vào công tác hậu cần, chuẩn bị cho các cuộc tấn công, cung cấp phương tiện tài chính, vật chất, vũ khí, nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố.