Nga đe dọa sớm đáp trả việc Mỹ giúp Ukraine vận hành ATACMS
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ trực tiếp giúp Ukraine vận hành tên lửa tầm xa ATACMS trong vụ tập kích gần đây, khẳng định Moscow sẽ đáp trả tương ứng.
Thông tấn Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/11 phát biểu bên lề Hội nghị G20 ở Brazil rằng, việc "tên lửa ATACMS được phóng nhiều lần trong đêm" vào bang Bryansk của Nga là "tín hiệu cho thấy phương Tây muốn leo thang" xung đột ở Ukraine.
"Chúng tôi sẽ coi đây là giai đoạn mới của cuộc chiến của phương Tây nhằm vào Nga và chúng tôi sẽ phản ứng tương ứng", ông Lavrov nói. "Nếu không có người Mỹ thì (Ukraine) không thể sử dụng những tên lửa công nghệ cao đó. Tổng thống Putin đã nói điều này nhiều lần".
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau khi quân đội Nga thông báo 6 tên lửa ATACMS được phóng từ Ukraine vào bang Bryansk ngày 19/11. Phòng không Nga bắn hạ 5 quả đạn và làm hư hại quả còn lại. Mảnh vỡ tên lửa rơi xuống một cơ sở quân sự và gây cháy, nhưng không gây thương vong hay thiệt hại hạ tầng.
Trong khi đó, Ukraine cho biết họ tấn công kho vũ khí Nga cách biên giới khoảng 110 km tại Bryansk và phát hiện "12 vụ nổ thứ cấp" sau đòn tập kích. Ukraine không công khai họ dùng quả đạn gì, nhưng các nguồn tin quan chức Ukraine và Mỹ xác nhận với Reuters rằng đó là tên lửa ATACMS.
Vụ tập kích diễn ra sau khi truyền thông quốc tế và các quan chức hàng đầu châu Âu xác nhận chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách thận trọng lâu nay và cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ viện trợ để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga.
ATACMS, có tên gọi đầy đủ là Hệ thống Tên lửa Lục quân chiến thuật, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất từ cuối những năm 1980, được thiết kế khai hỏa từ xe pháo phản lực di động HIMARS do Mỹ viện trợ hoặc M270 mà Anh và Đức chuyển giao cho Ukraine.
New York Times mô tả ATACMS bay quỹ đạo giống tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tức nó sẽ được phóng lên độ cao lớn trên bầu khí quyển rồi lao trở lại mặt đất với vận tốc lớn nhờ quán tính và lực hấp dẫn.
Theo truyền thông Mỹ, Washington từ tháng 9/2023 bắt đầu chuyển giao biến thể M39 Block I của tên lửa ATACMS cho Ukraine. Phiên bản này có tầm bắn khoảng 165 km, nặng hai tấn, mang đầu đạn chùm chứa 950 quả đạn con M74, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính.
Cách đây vài tháng, Washington được cho là đã chuyển biến thể M39A1 Block I tầm bắn 300km. Biến thể này mang đầu đạn chùm chứa 300 đạn con M74, nặng bằng một phần ba so với đầu đạn của M39 Block I nhưng được bổ sung hệ thống định vị vệ tinh để tăng độ chính xác. Ukraine có thể cũng đã tiếp nhận biến thể M57 mang đầu nổ đơn nhất nặng 230 kg, tầm bắn 70-300km.