Mỹ quyết không nhượng bộ trước hạn chót áp thuế quan

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại, giữa bối cảnh thời điểm hạn chót để Washington áp đặt thuế quan lên toàn cầu đang ngày một cận kề.

Quan điểm trên được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nêu rõ trong lần xuất hiện trên chương trình “Fox News Sunday” ngày 27/7. Ông nhấn mạnh các quốc gia không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước ngày 1/8 sẽ phải đối mặt với các mức thuế đối ứng từ 15% đến 50%, tùy thuộc vào quy mô kinh tế và mức độ hợp tác.

"Sẽ không có thêm gia hạn. Ngày 1/8, thuế quan sẽ bắt đầu được áp dụng,” Bộ trưởng Lutnick cho biết. Trước đó, thời hạn áp thuế đã được lùi từ ngày 9/4 và tiếp tục hoãn đến ngày 1/8. Nhưng lần này, chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ kiên quyết không nhượng bộ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Ảnh: Greg Nash/The Hill

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Ảnh: Greg Nash/The Hill

Những phát biểu trên phản ánh chiến lược thương mại quyết liệt của chính quyền Tổng thống Trump trong việc sử dụng thuế quan như công cụ áp lực để buộc các đối tác mở cửa thị trường và giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh đó, nhiều nền kinh tế trên trên giới đang nỗ lực đàm phán với Washington để tránh đưa cả thế giới vào một cuộc chiến thuế quan khốc liệt.

Thỏa thuận lịch sử với EU

Mới đây, chính quyền Tổng thống Trump đã có tiến triển đáng chú ý khi đạt được thỏa thuận thương mại khung với EU, được ký kết vào ngày 27/7 tại sân golf trong khu nghỉ dưỡng của Tổ chức Trump ở miền Tây Scotland (Vương Quốc Anh).

Sau cuộc đàm phán kéo dài một giờ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, hai bên đã thống nhất mức thuế nhập khẩu 15% đối với phần lớn hàng hóa EU, thấp hơn đáng kể so với mức 30% mà ông Trump từng dự kiến áp dụng. Thỏa thuận này không chỉ giúp tránh một cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn mở ra cơ hội cho EU đầu tư khoảng 600 tỷ USD vào Mỹ, tập trung vào năng lượng và thiết bị quân sự.

Bà von der Leyen nhận xét ông Trump là một nhà đàm phán cứng rắn, nhưng nhấn mạnh mức thuế 15% mang lại sự ổn định và khả năng dự báo cho doanh nghiệp hai bên. Thỏa thuận này cũng bao gồm việc miễn thuế cho máy bay, linh kiện hàng không, hóa chất, dược phẩm, thiết bị bán dẫn và sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì mức thuế 50% đối với các mặt hàng thép và nhôm, khiến EU phải đề xuất cơ chế hạn ngạch thay thế, dù chưa đạt được đồng thuận cuối cùng.

Ngoài EU, Mỹ đã đạt được các thỏa thuận thương mại với Anh, Nhật Bản, Indonesia và Philippines, với mức thuế cao hơn mức cơ bản 10% nhưng thấp hơn nhiều so với các mức dự kiến áp ban đầu. Những thỏa thuận này phản ánh chiến lược của Tổng thống Trump trong việc sử dụng thuế quan như đòn bẩy để buộc các đối tác mở rộng tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản và công nghiệp.

Áp lực gia tăng với các đối tác còn lại

Trong khi EU và một số quốc gia đã đạt được thỏa thuận, áp lực đang đè nặng lên các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Mexico và Brazil.

Hàn Quốc, chịu ảnh hưởng từ thành công của Nhật Bản, đang gấp rút đề xuất gói đầu tư hơn 100 tỷ USD, tập trung vào các ngành như đóng tàu, bán dẫn và pin. Ấn Độ thể hiện sự lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận trước hạn chót, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) cho biết các nhà đàm phán đang làm việc không ngừng nghỉ để tránh mức thuế bất lợi.

Riêng Canada và Mexico, dù được miễn một số mức thuế “tương hỗ” theo hiệp định thương mại Bắc Mỹ, vẫn đối mặt với nguy cơ thuế 30-35% đối với hàng hóa không tuân thủ hiệp định này. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cam kết làm mọi cách để đạt thỏa thuận, trong khi Canada vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển rõ ràng.

Đặc biệt, chiến lược áp thuế của Tổng thống Trump không chỉ dừng ở mục tiêu kinh tế mà còn mang màu sắc địa chính trị, Chẳng hạn, Brazil đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế 50% do mâu thuẫn chính trị, khi người đứng đầu nước Mỹ cáo buộc nước này tiến hành “cuộc săn phù thủy” nhằm vào cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, một đồng minh thân cận của ông.

Bên cạnh đó, ông Trump cho biết sẽ áp thuế 100% đối với dầu mỏ Nga nếu Moscow không đạt thỏa thuận với Ukraine, một động thái có thể làm phức tạp quan hệ thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đang hưởng lợi từ dầu giá rẻ của Nga.

Theo Bộ trưởng Howard Lutnick, các mức thuế quan dự kiến mang về nguồn thu khổng lồ, từ 700 đến 800 tỷ USD, thậm chí có thể chạm mốc 1 nghìn tỷ USD, giúp giảm thâm hụt ngân sách Mỹ và tài trợ cho các chính sách như miễn thuế thu nhập từ tiền tip (tiền boa), làm thêm giờ và an sinh xã hội. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những cuộc đàm phán có thể tiếp tục sau ngày 1/8, với điều kiện các đối tác phải đưa ra “thỏa thuận đủ tốt” để thuyết phục ông Trump.

“Câu hỏi là liệu họ có đưa ra cho Tổng thống Trump một thỏa thuận đủ hấp dẫn để ông ấy từ bỏ mức thuế 30% đã đặt ra hay không,” ông Lutnick cho hay, và lưu ý rằng dù các nước khác đang nỗ lực đạt thỏa thuận, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào ông Trump, người được vị bộ trưởng mô tả là đóng vai trò “dẫn dắt bàn đàm phán”.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-quyet-khong-nhuong-bo-truoc-han-chot-ap-thue-quan.787119.html