Mỹ sẵn sàng cắt đứt nguồn cung năng lượng của Trung Quốc mọi lúc?
Dựa vào tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, Mỹ luôn biết cách cản trở Trung Quốc tiếp cận nguồn năng lượng dồi dào ở khu vực này.
Nếu hai bên xảy ra xung đột, Bộ Chỉ huy Trung ương Quân đội Hoa Kỳ (CENTCOM) có thể chỉ đạo nhiều cánh quân chặn các tuyến vận chuyển năng lượng đến Trung Quốc, khiến nền kinh tế số hai thế giới gặp khó trong phát triển kinh tế cũng ảnh hưởng đến quân đội.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 3/2023, Tướng Erik Kurilla, chỉ huy CENTCOM, cho biết: “Trong trường hợp có xung đột, bằng thực lực của mình, chúng tôi có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khó”.
Sở dĩ Mỹ có niềm tin như vậy là bởi siêu cường này đã thống trị ở Trung Đông nhiều thập kỷ qua. Điều này đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ về kinh tế và quân sự giữa Washington và các quốc gia trong khu vực. Tổng cộng có hơn 30.000 binh sĩ Mỹ ở các căn cứ quân sự đóng rải rác khắp vùng.
"Chúng ta vẫn chiếm rất nhiều ưu thế ở Trung Đông” - Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Celeste Wallander phát biểu trước Quốc hội.
Ông Wallander lý giải: Sau nhiều nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan và Iraq, quân đội Mỹ đã có đủ cơ sở hạ tầng để tiếp viện cho khu vực này. Thêm nữa, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể nhanh chóng điều chuyển một số lực lượng vào khu vực này đồng thời kết hợp với các quốc gia có hợp tác quân sự chặt chẽ.
Quan chức Mỹ đánh giá cao nguồn năng lượng ở khu vực CENTCOM đang quản lý. Nơi đây chiếm gần một nửa trữ lượng dầu của thế giới và hơn 40% khí đốt tự nhiên. Đây là nơi sản xuất dầu quan trọng của một số nước trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như: Iraq, Kuwait, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Không những vậy, khu vực này là nơi tập trung các điểm trung chuyển dầu theo đường hàng hải trong khu vực như: Kênh đào Suez, Bab al-Mandab và Eo biển Hormuz. Có thể nói bất kỳ sự gián đoạn nào ở nơi này đều ảnh hưởng đáng kể đến các nước phụ thuộc nguồn cung dầu mỏ khu vực này.
Mặc dù giờ đây Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, nhưng quan chức nước này vẫn xem trọng vị thế chiến lược của Trung Đông. Chừng nào các quốc gia khác còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng, Washington tin mình vẫn có thể sử dụng nơi đây như bàn đạp can thiệp vào sự phát triển những nước đó.
Điểm yếu của Trung Quốc
Do vậy, để giành lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc – một quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào dầu – Mỹ hoàn toàn có thể tận dụng tầm ảnh hưởng to lớn của mình ở Trung Đông để buộc các quốc gia khác ngừng cung cấp nhiên liệu cho Bắc Kinh.
Theo người đứng đầu CENTCOM, với 72% tổng lượng dầu nhập khẩu từ khu vực này, Trung Quốc rất dễ tổn thương trong các cuộc cạnh tranh.
Tính đến năm 2021, Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ. Dù là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, Bắc Kinh vẫn không đáp ứng nhu cầu dầu tiêu thụ trong nước. Hiện họ phải nhập khẩu dầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong số dầu nhập khẩu của Trung Quốc, khoảng một nửa đến từ Trung Đông. “Mối liên kết năng lượng và đầu tư giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) sẽ phát triển ít nhất đến năm 2030, đặc biệt ở khu vực Vịnh Ba Tư” – theo một nghiên cứu của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ.
Với việc duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Vịnh Ba Tư, Mỹ có thể hoàn toàn huy động tiềm lực quốc phòng để gây áp lực lên dòng chảy năng lượng đến Trung Quốc.
Trọng tâm của Mỹ sẽ là Eo biển Hormuz, điểm trung chuyển dầu chính của khu vực. Gần như tất cả tàu vận chuyển năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông đều đi qua eo biển này.
Theo Tướng Erik Kurilla, hơn 98% chuyến vận chuyển bằng tàu đi qua nơi này sẽ là điểm yếu dễ bị khai thác của Bắc Kinh.