Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về vũ khí hạt nhân

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (16/7) tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này mà 'không cần điều kiện tiên quyết'. Lập trường đưa ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên lần thứ 2 trong năm nay phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, nhưng hiện chưa có bất kỳ “dấu hiệu tức thì nào” về một vụ thử như vậy.

Ông Jake Sullivan đồng thời nhắc lại lời đề nghị đàm phán của Mỹ với Triều Tiên: “Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân khác. Chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ tất cả các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên để xem chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này đang phát triển như thế nào. Mỹ vẫn đang phối hợp cực kỳ chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo rằng chúng ta đang phản ứng kịp thời với mối đe dọa này. Chúng tôi cũng đã nói với Triều Tiên rằng chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống và đàm phán vô điều kiện về chương trình hạt nhân của nước này”.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 được phóng từ một vị trí bí mật ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 được phóng từ một vị trí bí mật ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 hôm 12/7 của Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều được ký kết năm 2018 nhằm ngăn chặn xung đột ngẫu nhiên leo thang thành chiến tranh tổng lực có thể bị phá vỡ. Được xem là cốt lõi trong lực lượng hạt nhân của Triều Tiên, Hwasong-18 được các nhà phân tích đánh giá có khả năng cơ động và phóng nhanh hơn so với các mẫu tên lửa nhiên liệu lỏng trước của Triều Tiên.

Trong một tuyên bố chung vào tuần trước, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Ba nước cũng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động làm leo thang căng thẳng và nhanh chóng quay lại đối thoại.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã cho thấy cách tiếp cận cứng rắn hơn với Triều Tiên thay vì “ngoại giao hội nghị” như người tiền nhiệm Donald Trump hay “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, tình hình thế giới biến động và căng thẳng gia tăng với các cường quốc hạt nhân khác dường như đã buộc Mỹ phải thay đổi lập trường. Các chiến thuật dựa trên áp lực trong nhiều thập kỷ đã không đạt được tiến bộ trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và đã đến lúc thử làm một điều gì đó khác biệt, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng an ninh để hướng tới các thỏa thuận lâu dài hơn và dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-san-sang-dam-phan-voi-trieu-tien-ve-vu-khi-hat-nhan-post1033143.vov