Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam
Từ năm 2024 tới 2027, Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay T-6 cho Việt Nam. Dự kiến 3 chiếc T-6 sẽ được chuyển giao trong tháng 3/2024, cuối năm nay tiếp tục chuyển giao 2-3 chiếc nữa. Thời gian chuyển giao 6-7 máy bay còn lại sẽ là trước hoặc trong năm 2027.
Từ 2024-2027, Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay T-6
Tại họp báo ngày 9/12 nhân chuyến đến Việt Nam dự triển lãm quốc phòng quốc tế 2022, chuẩn tướng Sarah H. Russ, Trợ lý huy động lực lượng của Cục trưởng về Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình và các Yêu cầu, thuộc Không quân Thái Bình Dương, Mỹ, cho biết: Phía Mỹ rất hoan nghênh những hoạt động hợp tác sắp tới với Việt Nam, trong đó bao gồm cả huấn luyện, đào tạo phi công lẫn chuyển giao trang, thiết bị quốc phòng.
Từ năm 2024 tới 2027, Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay T-6 cho Việt Nam. Dự kiến 3 chiếc T-6 sẽ được chuyển giao trong tháng 3/2024, cuối năm nay tiếp tục chuyển giao 2-3 chiếc nữa. Thời gian chuyển giao 6-7 máy bay còn lại sẽ là trước hoặc trong năm 2027.
Đồng thời, phía Mỹ cũng sẽ phối hợp với Việt Nam thực hiện các chương trình bảo dưỡng (thiết bị), huấn luyện, hỗ trợ phi công. Các chương trình bao gồm đào tạo về tiếng Anh, hậu cần, an toàn bay...
Đại tá TJ. Bouchillon, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam cho biết: Mỹ đang chuyển giao máy bay không người lái Scaneagle cho Việt Nam, kèm việc đào tạo cán bộ.
Theo Thiếu tướng Jered P. Helwig, Tư lệnh Bộ Tư lệnh duy trì lực lượng Quân khu 8, Lục quân Thái Bình Dương, Mỹ: Trong năm 2023, Mỹ muốn sắp xếp thêm các chuyến tàu thăm khu vực vào thời gian phù hợp, bên cạnh các hoạt động hợp tác khác.
Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng thảo luận với Việt Nam để việc thực hiện các quy trình, thủ tục mua sắm thiết bị quốc phòng (trong trường hợp Việt Nam quan tâm) từ các công ty Mỹ thuận tiện hơn.
Phái đoàn Mỹ bày tỏ ấn tượng về các hoạt động của Việt Nam, trong đó có hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình và sẵn sàng triển khai thêm các hoạt động hợp tác khác.
Chuẩn tướng Sarah H. Russ nói thêm: Mỹ xem khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược và trong năm tới, lực lượng không quân dự kiến cũng có thêm các cuộc diễn tập bao gồm song phương và đa phương với các đối tác ASEAN, với nội dung đa dạng, từ tăng cường khả năng phòng vệ đến hỗ trợ nhân đạo.
Trước đó, Mỹ đã đào tạo một số phi công của không quân Việt Nam trên máy bay huấn luyện T-6. Năm 2019, thượng úy Đặng Đức Toại là phi công đầu tiên tốt nghiệp khóa huấn luyện trên máy bay T-6 trong khuôn khổ Chương trình lãnh đạo hàng không của không quân Mỹ. Việc phi công Việt Nam được đưa sang Mỹ tham dự các khóa đào tạo như trên xuất phát từ việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
T-6 là dòng máy bay cánh quạt do Hãng Raytheon chế tạo và ra mắt lần đầu năm 2000. Loại máy bay này được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ cấp và trung cấp trong không quân Mỹ.
Dòng máy bay T-6 có nhiều phiên bản, trong đó chủ lực là dòng T-6A để huấn luyện đào tạo cơ bản cho phi công quân sự thuộc Không quân và Hải quân Mỹ, từ đó phát triển lên lái trực thăng, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, trinh sát và tiếp dầu. Các máy bay T-6A giúp học viên phi công làm quen với cảm giác bay, phát triển kỹ năng cơ bản để theo học các khóa đào tạo nâng cao trong tương lai.
Dòng T-6A có tính năng điều khiển đơn giản để bảo đảm an toàn, hạn chế tai nạn do lỗi phi công. Học viên phi công ngồi buồng trước, sĩ quan huấn luyện ngồi phía sau giám sát. Vị trí này có thể thay đổi tùy nhiệm vụ, máy bay có thể hoạt động chỉ với một người điều khiển.
Máy bay được trang bị một động cơ turbine phản lực cánh quạt PT6A-68 với công suất 1.100 mã lực. Mỗi chiếc T-6A có thể đạt tốc độ tối đa 500 km/h, tầm bay 1.670 km và trần bay 9,4 km.
T-6 Texan II là dòng máy bay hạng nhẹ 2 chỗ ngồi, 1 động cơ cánh quạt, dài 10,16 m, sải cánh 10,19 m, tốc độ tối đa 500 km/giờ, trần bay tối đa 9.440 m, tầm bay 1.660 km. Giá mỗi chiếc hơn 4 triệu USD. T-6 Texan II do tập đoàn Raytheon của Mỹ chế tạo dựa trên mẫu Pilatus PC-9 của Thụy Sĩ. Nó được phát triển trong thập niên 1990 và đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 2001, thay thế mẫu Cessna T-37B của không quân và T-34C Turbo Mentor hải quân.