Mỹ sẽ mở đại sứ quán tại Solomon, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc
Mỹ lên kế hoạch mở một đại sứ quán ở quần đảo Solomon nhằm gia tăng ảnh hưởng trước khi Trung Quốc can dự mạnh mẽ vào đảo quốc này.
Lý do cho kế hoạch trên được Bộ Ngoại giao Mỹ nói rõ trong thông báo gửi đến Quốc hội. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết người dân Solomon trân trọng lịch sử giữa họ với Mỹ trong Thế chiến thứ 2, nhưng Mỹ có nguy cơ đánh mất mối quan hệ thiện cảm khi Trung Quốc ráo riết tìm cách lôi kéo các chính trị gia và doanh nhân đảo quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng để lôi kéo, Trung Quốc sử dụng cách thức quen thuộc như đưa ra nhiều cam kết quá mức, nhiều khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng tốn kém kèm nguy cơ mắc nợ. Cơ quan này cũng nhận định: “Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc tăng cường mối quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại với Solomon - quốc đảo lớn nhất ở Thái Bình Dương không có đại sứ quán Mỹ”.
Quần đảo Solomon hiện không có đại sứ quán Mỹ - Ảnh: The Diplomat
Trước đây Mỹ có một đại sứ quán tại Solomon hoạt động trong 5 năm trước khi đóng cửa vào năm 1993. Hiện tại đội ngũ ngoại giao Mỹ tại nước láng giềng Papua New Guinea được giao phụ trách cả hoạt động ở Solomon.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không định xây trụ sở đại sứ quán mới mà trước mắt sẽ thuê một mặt bằng với chi phí thiết lập ban đầu là 12,4 triệu USD. Đại sứ quán đặt tại Honiara, ban đầu chỉ có 2 nhân viên người Mỹ cùng 5 nhân viên địa phương.
Không chỉ có đại sứ quán được mở, Peace Corps - chương trình tình nguyện do Mỹ điều hành vốn vẫn hợp tác với một số cộng đồng tại Solomon xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương - cũng định mở lại văn phòng và đưa nhân viên sang làm việc.
Hai động thái trên phù hợp với chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tập trung xây dựng quan hệ đối tác với các đồng minh trong khu vực như một cách để chống lại ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Solomon cuối năm ngoái vừa hứng chịu một đợt bất ổn lớn vì mâu thuẫn sắc tộc, vấn đề kinh tế và quyết định “bỏ Đài theo Trung”. Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare - người quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang lập quan hệ với Trung Quốc đại lục năm 2019 - hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ. Nhưng ông vẫn vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau đó và tỏ ý không thay đổi quyết định.