Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu trở lại từ ngày 1/8
Theo Reuters, ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent xác nhận từ ngày 1/8, các nước không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington sẽ bị áp mức thuế đối ứng được Tổng thống Donald Trump công bố hôm 2/4.
Ngày 6/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trước báo giới rằng thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 1/8. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump "vẫn đang thiết lập các mức thuế và đàm phán thỏa thuận thương mại".
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent xác nhận từ ngày 1/8, các nước không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington sẽ bị áp mức thuế đối ứng được Tổng thống Donald Trump công bố hôm 2/4, Reuters đưa tin. Tuy nhiên, quyết định bắt đầu áp thuế đối ứng từ ngày 1/8 không đồng nghĩa hạn chót thương lượng đã được dời sang ngày này, ông Bessent nhấn mạnh.
Ngày 2/4, ông Trump công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, từ 10-50%. Một tuần sau, ông thông báo hoãn áp thuế ở mức cao, tạm thời chỉ áp dụng mức 10% trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán với Mỹ. Hạn chót cũ là ngày 9/7. Vì vậy, các nước hiện sẽ có thêm 3 tuần để giải quyết vấn đề này.

Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dự báo một số thỏa thuận thương mại có thể được công bố trong vài ngày tới, đồng thời tiết lộ việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) đang tiến triển tốt. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump đã ký 12 bức thư gửi các đối tác thương mại và nhiều khả năng sẽ gửi chúng vào ngày 7/7. Ngoài ra ông cũng sẽ gửi thư cho khoảng 100 quốc gia khác có ít quan hệ thương mại với Mỹ.
Trước đó, trả lời báo giới tại căn cứ liên hợp Andrews ở bang Maryland ngày 4/7, ông Trump đã khẳng định sẽ gửi thư thông báo thuế nhập khẩu cho các nước trong 5 ngày tới. Mỗi ngày gửi đến 10-12 quốc gia. Trong phần lớn các trường hợp, thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết trên CBS rằng Mỹ có thể linh hoạt với những quốc gia đang đàm phán nghiêm túc. "Chúng ta có các hạn chót và cũng có những thứ đang gần đạt được. Vì vậy, có thể một số thứ sẽ được lùi quá thời hạn", Hassett nói, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống sẽ là người quyết định điều đó có xảy ra hay không.
Trên ABC News, Stephen Miran - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA) cho biết các nước cần nhượng bộ để có mức thuế nhập khẩu thấp hơn. "Tôi đã nghe được những tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán với châu Âu và Ấn Độ. Tôi cho rằng các quốc gia đang nhượng bộ có thể sẽ được gia hạn", ông nói.
Trước đó, ông Trump nhiều lần nói rằng Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận và bày tỏ hy vọng có thể ký kết một hiệp định với EU. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt thỏa thuận với Nhật Bản.
Theo kênh CNBC-TV18 của Ấn Độ ngày 6/7, New Delhi và Washington có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về một thỏa thuận thương mại hẹp trong vòng 24-48 giờ tới với mức thuế quan bình quân áp dụng với hàng từ Ấn Độ vào Mỹ là 10%.
Trong chia sẻ với CBS News, ông Kevin Hassett, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết các thỏa thuận khung của Mỹ đạt được với Anh và Việt Nam là các ví dụ điển hình để các quốc gia muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ làm theo.
Thái Lan hiện cũng đề xuất mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản và hàng hóa công nghiệp Mỹ, đồng thời tăng mua năng lượng và máy bay Boeing, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira nói với Bloomberg hôm 6/7.
Gia Linh - Theo Reuters