Nỗi đau khủng khiếp trong vụ xe chở dân Palestine bị lính Israel bắn hơn 300 phát đạn
Chiếc xe thực tế, được một gia đình người Palestine sử dụng khi chạy trốn hoạt động xung đột ở Dải Gaza, đã bị lính Israel bắn tới 335 phát đạn, khiến tất cả hành khách trên xe không thể sống sót.

Chiếc xe chở gia đình Hind Rajab với phần thân lỗ chỗ vết đạn được tái hiện ở Anh. (Nguồn: Al Jazeera)
Ngày 7/7, trang tin Al Jazeera cho biết một chiếc xe chở đầy dân thường Palestine bị lính Israel vãi đạn không thương tiếc đã được tái hiện tại Bradford, Anh quốc.
Trong video, người ta thấy trên thân chiếc xe tái hiện có hàng trăm lỗ thủng, với mỗi lỗ được đánh số cẩn thận bằng mực đỏ. Chiếc xe thực tế, được một gia đình người Palestine sử dụng khi chạy trốn hoạt động xung đột ở Dải Gaza, đã bị lính Israel bắn tới 335 phát đạn.
Vụ xả súng xảy ra vào tháng 1/2024 đã gây sốc khắp thế giới. Tuy nhiên những người ủng hộ Palestine đã quyết định không để sự việc rơi vào quên lãng, khi tái hiện lại chiếc xe ở Anh. Sự việc còn để kỷ niệm ngày lẽ ra là sinh nhật thứ 7 của Hind Rajab - bé gái 6 tuổi đã thiệt mạng khi có mặt trên chiếc xe định mệnh đó.
Câu chuyện về bi kịch riêng của gia đình Rajab, trong nỗi đau chung của nhiều người dân Palestine sống ở Dải Gaza, đã được truyền thông thế giới đưa tin đầy đủ.
Theo đó, vào ngày 29/1/2024, Hind Rajab cùng gia đình đang trên đường rời khỏi khu vực Tal al-Hawa, thành phố Gaza, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng Israel và các nhóm vũ trang Palestine.
Trên xe lúc đó có sáu người, bao gồm Hind, cha mẹ em và ba anh chị em họ. Khi đến gần một vị trí bị do quân đội Israel kiểm soát, chiếc xe bất ngờ bị tấn công. Toàn bộ người lớn và trẻ em trên xe được cho là thiệt mạng tại chỗ – ngoại trừ Hind, khi đó bị thương nhưng vẫn còn sống.
Hind đã dùng điện thoại gọi đến Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Palestine (PRCS) để cầu cứu. Trong cuộc gọi kéo dài hơn ba giờ, giọng nói của cô bé tràn đầy nỗi sợ hãi. Em cầu xin các nhân viên cứu hộ: “Cháu sợ lắm… Hãy đến cứu cháu… Xe tăng đang đến gần…”.
Dù đội cứu hộ đã nỗ lực tiếp cận hiện trường, họ bị quân đội Israel ngăn cản vì khu vực này được xem là vùng chiến sự. Bất chấp nguy hiểm, hai nhân viên y tế của PRCS đã tìm cách tiếp cận địa điểm theo tín hiệu của Hind, nhưng chính họ cũng bị bắn chết.
Mãi đến 10/2/2024, tức 12 ngày sau khi Hind gọi điện cầu cứu, thi thể của em cùng gia đình và hai nhân viên cứu hộ mới được phát hiện tại khu vực Tal al-Hawa.
Theo các báo cáo từ PRCS và một số tổ chức nhân quyền tiếp cận hiện trường, chiếc xe chở Rajab cùng gia đình cô bé có hơn 300 lỗ đạn trên thân. Ước tính khoảng 335 phát súng đã bắn vào xe.
Vết đạn tập trung nhiều vào phần cửa và khoang xe, cho thấy mục tiêu có thể đã bị bắn ở cự ly gần và liên tục, với khả năng cao là từ súng máy hạng nặng gắn trên xe tăng hoặc thiết giáp.
Tuy không có báo cáo độc lập quốc tế nào xác minh chính xác con số này, nhưng thông tin “335 phát đạn” đã được nhiều nguồn tin uy tín như Al Jazeera, Middle East Eye, và các tổ chức y tế nhân đạo trích dẫn dựa trên mô tả của nhân viên tại hiện trường.

Hind Rajab, 6 tuổi, ban đầu sống sót, nhưng cuối cùng đã thiệt mạng trong vụ việc gây sốc. (Nguồn: Al Jazeera)
Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy thi thể các nạn nhân cháy đen, nằm lẫn trong những mảnh vụn của chiếc xe. Phát hiện này xác nhận điều mà cộng đồng quốc tế lo sợ. Hind Rajab, khi ấy mới 6 tuổi, dù sống sót sau vụ nổ súng nhưng cuối cùng đã chết dần trong cô độc.
Vụ việc đã gây làn sóng phẫn nộ khắp thế giới. Các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Human Rights Watch và PRCS đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Họ gọi đây là dấu hiệu rõ ràng của hành vi có thể cấu thành tội ác chiến tranh – đặc biệt nếu quân đội Israel bị xác minh là đã cố tình tấn công dân thường không có vũ trang và nhân viên y tế.
PRCS cũng cáo buộc Israel đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi ngăn cản cứu hộ và không bảo đảm an toàn cho thường dân. Liên hợp quốc kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về vụ việc. Tuy nhiên, phía Israel không đưa ra lời nhận trách nhiệm rõ ràng, chỉ nói rằng khu vực xảy ra vụ việc là một điểm giao tranh ác liệt và “rất nguy hiểm”.
Câu chuyện của Hind Rajab đã trở thành biểu tượng bi thảm cho số phận của hàng nghìn trẻ em tại Gaza, nơi chiến sự vẫn không ngừng nổ ra kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào Hamas để trả đũa vụ tấn công bất ngờ mà lực lượng này thực hiện vào ngày 7/10/2023.
Theo thống kê của các tổ chức nhân đạo, tính đến đầu năm 2024, đã có hơn 10.000 trẻ em thiệt mạng trong cuộc xung đột, chưa kể hàng nghìn em khác bị thương, mất tích hoặc phải sống trong cảnh tị nạn, không có nơi trú ẩn an toàn.
Hình ảnh và giọng nói của Hind trong cuộc gọi cuối cùng được lan truyền rộng rãi trên truyền thông quốc tế, trở thành biểu tượng của sự đau đớn, tuyệt vọng và kêu cứu. Tên của em được nhắc đến trong các cuộc tuần hành vì hòa bình và trong các chiến dịch quốc tế kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.
Nhiều người cũng đã so sánh Hind với bé Aylan Kurdi – đứa trẻ Syria chết đuối trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2015 – như một lời nhắc nhở đầy ám ảnh về hậu quả của chiến tranh đối với trẻ em./.