Mỹ sẽ thôi đàm phán về hòa bình Ukraine nếu thấy tình hình không khả quan
Mỹ sẽ từ bỏ nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine trừ khi có những dấu hiệu tiến triển rõ ràng sớm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio nhấn mạnh ngày 18/4 (giờ địa phương).

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh Reuters/Getty Images.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng. Hiện nay, nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên khiến mọi việc trở nên rất khó khăn, chúng tôi sẽ bỏ qua nỗ lực này. Nhưng hy vọng chúng ta không phải làm điều đó”.
Bình luận của ông Trump được đưa ra sau phát biểu của Ngoại trưởng Marco Rubio rằng các bên chỉ có vài ngày để thể hiện sự tiến triển, nếu không Washington sẽ từ bỏ thỏa thuận. “Chúng tôi cần phải xác định rất nhanh ngay bây giờ, thậm chí là chỉ trong vài ngày, liệu việc đạt được thỏa thuận có khả thi trong vài tuần tới hay không. Nếu điều đó không thể, nếu những khác biệt vẫn quá lớn đến mức điều này sẽ khó xảy ra, thì tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump có thể sẽ nói ‘chúng ta có thể dừng lại rồi’”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết tại Paris (Pháp) sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine.
Trong vài tuần qua, không ít quan chức Mỹ bày tỏ rằng cơ hội đạt được thỏa thuận giữa Nga và Ukraine trong thời gian nhanh chóng đang trở nên mờ mịt. Thậm chí, một số nhà ngoại giao cho rằng bình luận của Ngoại trưởng Rubio phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng tại Nhà Trắng về triển vọng đạt được thỏa thuận, theo Reuters.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các bên đã đạt được một số tiến triển về giải pháp hòa bình nhưng việc liên lạc với Washington vẫn còn khó khăn. Ông nói thêm rằng Nga đang nỗ lực giải quyết xung đột trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của chính mình và Moscow vẫn cởi mở đối thoại với Mỹ.
Các quan chức Mỹ cũng thất vọng trước bình luận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này rằng đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff, đã “lan truyền những câu chuyện của Nga” và nói rằng điều đó không có lợi cho quá trình đạt được thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán tại Paris ngày 18/4 là các cuộc đàm phán cấp cao, thực chất và trực tiếp đầu tiên về nỗ lực thúc đẩy hòa bình của ông Trump có sự tham gia của các cường quốc châu Âu. Ngoại trưởng Rubio cho biết khuôn khổ hòa bình của Mỹ mà ông trình bày đã nhận được “sự đón nhận đáng khích lệ”. Văn phòng của Tổng thống Ukraine đánh giá các cuộc đàm phán là mang tính xây dựng và tích cực.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, phát biểu tại Rome khi gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, cho biết ông lạc quan rằng Washington có thể giúp chấm dứt cuộc chiến này.