Mỹ siết chặt việc phê duyệt các thương vụ mua bán và sáp nhập

Bộ Tư pháp Mỹ cùng Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã công bố Dự thảo hướng dẫn mới về việc phê duyệt sáp nhập các công ty với trọng tâm đánh giá mới.

Ngày 19/7, Bộ Tư pháp Mỹ cùng Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã công bố Dự thảo hướng dẫn mới về việc phê duyệt sáp nhập các công ty với trọng tâm đánh giá mới bao gồm cả tác động của thỏa thuận đối với người lao động, chứ không chỉ những tác động gây phương hại tới thị trường.

Dự thảo hướng dẫn mới là nỗ lực của các cơ quan này để bắt kịp thời đại kỹ thuật số và sự thay đổi của thị trường. Các cơ quan sẽ đánh giá việc sáp nhập dựa trên 13 tiêu chí cụ thể:

1. Việc sáp nhập không được làm tăng đáng kể mức độ tập trung tại các thị trường

2. Vụ sáp nhập không được loại bỏ khả năng cạnh tranh giữa các công ty

3. Thương vụ không làm tăng rủi ro bất hợp tác giữa các bên

4. Vụ sáp nhập không được loại bỏ đối thủ tiềm năng trong một thị trường tập trung

5. Các bên tham gia thương vụ không được làm giảm đáng kể sự cạnh tranh bằng cách tạo ra một công ty kiểm soát các sản phẩm hoặc dịch vụ mà đối thủ có thể cần dùng để cạnh tranh.

6. Các vụ sáp nhập theo chiều dọc (là hình thức sáp nhập các công ty từ hai hay nhiều bộ phận khác nhau của chuỗi cung trong cùng một ngành công nghiệp) không được tạo ra các cấu trúc thị trường ngăn cản sự cạnh tranh

7. Việc sáp nhập không nên củng cố hoặc mở rộng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp.

8. Việc sáp nhập không nên tạo ra xu hướng tập trung hóa trên thị trường.

9. Khi vụ sáp nhập là một phần của một loạt các vụ mua lại, các cơ quan có thể kiểm tra toàn bộ chuỗi thương vụ này.

10. Khi việc sáp nhập liên quan đến một nền tảng đa phương, các cơ quan sẽ kiểm tra sự cạnh tranh giữa các nền tảng, trên một nền tảng hoặc liệu thương vụ có nhằm để thay thế một nền tảng khác.

11. Khi một vụ sáp nhập liên quan đến những bên đang cạnh tranh với nhau, các cơ quan sẽ kiểm tra xem liệu thương vụ có thể làm giảm đáng kể tính cạnh tranh đối với người lao động hoặc những người bán khác hay không.

12. Khi việc mua lại liên quan đến quyền sở hữu một phần hoặc lợi ích cổ đông thiểu số, các cơ quan sẽ xem xét tác động của nó đối với tính cạnh tranh của thị trường.

13. Việc sáp nhập không được làm giảm đáng kể tính cạnh tranh hoặc có xu hướng tạo ra sự độc quyền.

Các quy tắc này được đề xuất áp dụng cho cả các doanh nghiệp sáp nhập dọc và sáp nhập ngang (hình thức sáp nhập diễn ra giữa các công ty trong cùng một bộ phận của một ngành kinh doanh).

Thương vụ Microsoft đề xuất mua Activision Blizzard trị giá 68,7 tỷ USD là một ví dụ về sáp nhập theo chiều dọc, bởi vì Microsoft phân phối trò chơi thông qua máy chơi điện tử Xbox và dịch vụ phát trực tuyến, trong khi Activision tạo ra trò chơi. FTC đã phản đối thỏa thuận đó, lập luận rằng nó phản cạnh tranh. Nhưng một tòa án vào tuần trước đã từ chối yêu cầu của cơ quan quản lý này về việc ngăn chặn thương vụ.

FTC dưới sự điều hành của Chủ tịch Lina Khan đã tích cực hơn trong việc cố gắng ngăn chặn các “đại gia” công nghệ mở rộng quy mô hơn nữa. Bộ phận Chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ do ông Jonathan Kanter đứng đầu cũng đã đẩy mạnh hoạt động của mình.

Ông Kanter cho hay luật không thay đổi so với hồi năm 2020. Những nguyên tắc này chỉ đơn thuần giải thích cách cơ quan quản lý đánh giá các thương vụ, cũng như cách họ áp dụng những tiền lệ án và văn bản theo luật định đã xuất hiện trong hơn một thế kỷ qua.

Cả hai cơ quan đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật các nỗ lực thực thi pháp luật để phản ánh nền kinh tế hiện đại. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến công chúng cho đến ngày 18/9 trước khi được chỉnh sửa và ban hành chính thức./.

Kiều Trang - Hương Thủy/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-siet-chat-viec-phe-duyet-cac-thuong-vu-mua-ban-va-sap-nhap/300030.html