Sinh trắc học góp phần chặn đứng nhiều vụ lừa đảo ngân hàng

Từ ngày 1/10, các ngân hàng đã đồng loạt thực hiện áp dụng bắt buộc sinh trắc học khi mở thẻ ngân hàng. Điều này được xem như thêm một lớp bảo vệ an toàn cho tài khoản của khách hàng, chống lừa đảo.

Thời gian qua, đi cùng với các tiện ích khi giao dịch trực tuyến, lừa đảo trên không gian mạng cũng bùng nổ. Theo phân tích của các chuyên gia, khi thực hiện lừa đảo, các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng "rác" để nhận tiền của nạn nhân. Khi tài khoản phát sinh số dư, số tiền sẽ tiếp tục được chuyển lòng vòng sang tài khoản khác hoặc đổi ra tiền điện tử, từ đó chuyển ra nước ngoài để gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc truy vết và thu hồi tiền.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quy định yêu cầu áp dụng xác thực sinh trắc học với các giao dịch từ 10 triệu đồng sẽ hạn chế các tài khoản "rác", tài khoản ảo. Tức là, nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Đây có thể nói là công cụ rất hữu hiệu trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác".

Với người sử dụng, xác thực sinh trắc học cung cấp một lớp bảo mật bổ sung cho thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, nhờ đó có thể giúp lĩnh vực tài chính loại bỏ hoàn toàn những hạn chế của phương thức thanh toán hiện tại, bao gồm việc phải ghi nhớ mã PIN và tương tác vật lý với các mã PIN. Bằng cách tăng cường lớp bảo mật, thẻ sinh trắc học cũng có thể giúp người tiêu dùng an tâm trước các gian lận thẻ không tiếp xúc, thậm chí làm tăng số lượng sử dụng thẻ không tiếp xúc, cũng như lần lượt tăng lượng thẻ thanh toán cho ngân hàng và rút ngắn thời gian xử lý giao dịch cho thương nhân.

Trên thực tế, việc xác thực sinh trắc học được các ngân hàng triển khai từ ngày 1/7. Đối với những người mở mới thẻ ngân hàng, việc xác thực sinh trắc học được áp dụng bắt buộc từ ngày 1/10. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến giữa tháng 8/2024, đã có khoảng 38 triệu tài khoản ngân hàng được thu thập dữ liệu sinh trắc học đối chiếu với dữ liệu, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử. Việc thực hiện đăng ký sinh trắc học đã có đóng góp tích cực giúp hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận trên không gian mạng và được các khách hàng ủng hộ.

Dẫn số lượng vụ gian lận và tài khoản nhận tiền lừa đảo đã giảm mạnh, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong tháng 8/2024, số vụ khách hàng bị lừa mất tiền giảm khoảng 50% so với mức trung bình của 7 tháng đầu năm. Đặc biệt, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo đã giảm tới 72%, với một số tổ chức tín dụng không ghi nhận thêm bất kỳ vụ việc lừa đảo nào trong tháng 8 và đầu tháng 9/2024. Trong hai tháng 7 và 8/2024, đã có khoảng 37,4 triệu khách hàng đăng ký thành công xác thực sinh trắc học. Trung bình mỗi ngày, hệ thống xử lý khoảng 25 triệu giao dịch, trong đó có 1,6 triệu giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên. Mặc dù số lượng giao dịch không thay đổi nhiều so với trước ngày 1/7/2024, nhưng số vụ lừa đảo đã giảm mạnh, cho thấy tác động tích cực từ quy định mới này.

Đại diện Vụ Thanh toán khuyến nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán và các trung gian thanh toán nên tiếp tục thu thập dữ liệu sinh trắc học và đối chiếu với thông tin thẻ căn cước công dân gắn chip để đảm bảo tính chính xác. Từ ngày 1/1/2025, những tài khoản chưa được xác thực sinh trắc học sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy giao dịch, đảm bảo rằng mọi giao dịch trực tuyến đều được kiểm tra tính chính chủ.

Được biết, trong tháng 10, NHNN dự kiến sẽ ban hành thông tư mới để thay thế Thông tư 35/2016/TT-NHNN, quy định về an toàn và bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Thông tư này sẽ nâng cao tính pháp lý và bảo vệ người dùng khi giao dịch qua Internet và điện thoại di động. Theo số liệu từ NHNN, hiện có 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến và 50 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán qua Internet và điện thoại di động, bao gồm cả QR Code, đã đạt được kết quả tích cực, thu hút sự tham gia của đông đảo người dùng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đã đạt 87,08%.

Cũng theo số liệu thống kê, đến nay, hơn 87% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Thời gian qua, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, tạo cơ sở để việc thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100% mỗi năm.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/sinh-trac-hoc-gop-phan-chan-dung-nhieu-vu-lua-dao-ngan-hang-i745979/