Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng: Doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu
Ngay sau khi Chính phủ Mỹ quyết định tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với gần 80 quốc gia đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, đồng thời giảm đáng kể thuế đối ứng trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đang khẩn trương triển khai các biện pháp thích ứng để ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á... Trong ảnh: Cắt may hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT. Ảnh: Việt Hùng
Khơi thông đơn hàng
Việc Chính phủ Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã giúp cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trên địa bàn tỉnh “dễ thở hơn”, tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Tại Công ty TNHH Minh Bạch (Khu công nghiệp Sông Công I, TP. Sông Công) - chuyên sản xuất và xuất khẩu thiết bị đối trọng xe nâng hạ sang Mỹ, nhiều ngày nay, tình hình sản xuất ổn định trở lại do những đơn hàng từ các đối tác của Mỹ được nối lại.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Ngay sau khi Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, các đối tác từ Mỹ đã nhanh chóng liên lạc với Công ty để tái khởi động những đơn hàng bị tạm hoãn. Nhờ sự chủ động duy trì nguồn nguyên liệu và ổn định về nhân lực, hiện nay, Công ty đã khôi phục gần 90% công suất hàng xuất khẩu so với thời điểm trước khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng, đồng thời khẩn trương xúc tiến ký kết thêm các hợp đồng để tận dụng tối đa cơ hội thị trường trong giai đoạn thuận lợi này.
Tương tự, một số đơn vị, DN xuất khẩu gỗ nội thất và dăm gỗ cũng đã nhanh chóng nhận lại các đơn hàng bị trì hoãn với các đối tác Mỹ... Ông Ngô Đăng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến gỗ Dũng Chung (Định Hóa) - chuyên xuất khẩu gỗ các loại sang Mỹ, cho biết: Trước áp lực về thuế suất của Mỹ, vừa qua, Công ty phải tạm dừng sản xuất. Tuy vậy, trong vòng chưa đầy một tuần sau khi chính sách thuế của Mỹ được nới lỏng, chúng tôi đã ký được các đơn hàng mới, đồng thời khôi phục ngay sản xuất để đáp ứng xuất khẩu vào cuối tháng 4 này.
Ngành may cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ do phần lớn đơn hàng xuất khẩu kéo dài đến tận tháng 9-2025. Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (trụ sở chính ở huyện Phú Bình), thông tin: Hiện nay, xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty và các đơn hàng đã ký kết kéo dài đến tháng 8-2025. Các đối tác phía Mỹ cam kết duy trì hợp đồng trong giai đoạn này, nên Công ty vẫn đang hoạt động ổn định, không bị gián đoạn. Hiện nay, Công ty duy trì việc làm ổn định cho 2.600 lao động tại 3 chi nhánh may (đặt tại các huyện Phú Bình, Đại Từ và TP. Thái Nguyên); thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng...

Công ty TNHH Minh Bạch (Khu công nghiệp Sông Công I) khôi phục gần 90% công suất hàng xuất khẩu nhờ đơn hàng được khơi thông sau khi Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày. Ảnh: T.L
Linh hoạt thích ứng
Có thể thấy, việc Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã mang lại tín hiệu tích cực cho các DN xuất khẩu tại Thái Nguyên. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của thị trường xuất khẩu và chính sách thuế quan, 90 ngày hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ được các DN xem là khoảng thời gian “vàng” để chủ động thích ứng trước khi chính sách mới có hiệu lực. Theo đó, nhiều DN xuất khẩu đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cụ thể, nhiều đơn vị đã làm việc với đối tác để điều chỉnh lịch giao hàng trong khung thời gian 3 tháng trên.
Cùng với đó, DN cũng đang tích cực cơ cấu lại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng cường đàm phán với các đối tác của Mỹ để chia sẻ gánh nặng về chi phí và điều chỉnh lại mức giá hàng hóa bảo đảm phù hợp. Nhiều DN đang chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Ví dụ, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến gỗ Dũng Chung (Định Hóa) đã và đang tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Úc và Thái Lan. Với nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ngày càng tăng, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường này không chỉ giúp DN duy trì sản lượng xuất khẩu mà còn mở ra cơ hội hợp tác dài hạn và giảm lệ thuộc vào thị trường Mỹ...
Trong đàm phán với nhà nhập khẩu của Mỹ, các đơn vị, DN đang tái cơ cấu lại điều khoản hợp đồng, điều chỉnh mức giá, cũng như thương lượng để hai bên cùng chia sẻ một phần chi phí thuế nhập khẩu mới.
Trao đổi về vấn đề này tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, nhấn mạnh: Theo hợp đồng đã ký với các đối tác tại Mỹ, dệt may TNG chịu trách nhiệm giao hàng tại cảng, chi phí từ biến động thuế do đối tác chịu. Tuy vậy, các khách hàng tại Mỹ có đề nghị TNG san sẻ chi phí 2%. Công ty đang xem xét đề xuất trên, có thể chấp nhận mức 1% và tối đa là 2% để chia sẻ khó khăn với khách hàng…
Việc Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đã và đang tạo điều kiện nhất định để các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có thêm thời gian điều chỉnh, ổn định sản xuất và chuẩn bị phương án ứng phó. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Cộng đồng DN đang kỳ vọng vào các cuộc đàm phán thuế song phương hoặc đa phương từ phía Nhà nước sẽ sớm mang lại một chính sách thuế ổn định, minh bạch và dài hạn. Chỉ khi đó, hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu mới có thể phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro từ các biến động chính sách...