Financial Times: Apple tìm cách chuyển việc lắp ráp tất cả iPhone bán ở Mỹ sang Ấn Độ

Apple đang tìm cách chuyển hoạt động lắp ráp tất cả iPhone được bán ở Mỹ sang Ấn Độ sớm nhất vào năm 2026, trang Financial Times đưa tin hôm 25.4, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Động thái Apple chuyển hướng lắp ráp iPhone khỏi Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan rất cao với quốc gia châu Á này.

Apple đã củng cố năng lực lắp ráp iPhone tại Ấn Độ thông qua các nhà sản xuất theo hợp đồng như Foxconn (Đài Loan) và Tata Electronics (Ấn Độ).

Foxconn (nhà cung cấp lớn nhất của Apple tại Ấn Độ) đã xuất khẩu số smartphone trị giá 1,31 tỉ USD trong tháng 3, mức cao nhất từ trước đến nay trong một tháng. Con số này bằng tổng kim ngạch xuất khẩu của Foxconn trong tháng 1 và tháng 2 cộng lại, theo dữ liệu hải quan. Xuất khẩu iPhone của Tata Electronics, công ty con của tập đoàn Tata Group, cũng tăng vọt 63% trong tháng 3 so với tháng 2, đạt 612 triệu USD.

Tata Electronics được Tata Group thành lập với mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử chính xác và thiết bị công nghệ cao, đặc biệt là để phục vụ ngành công nghiệp smartphone.

Sau khi ông Trump công bố các mức thuế đối ứng đầu tháng 4, Apple đã nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu iPhone được sản xuất tại Ấn Độ sang Mỹ để tránh bị đánh thuế cao nếu nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Financial Times. Mỹ chiếm khoảng 28% trong tổng số 232,1 triệu chiếc iPhone mà Apple bán ra toàn cầu trong năm 2024, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC.

Chiến lược mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ của Apple là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng tốc độ và quy mô vượt xa kỳ vọng của nhà đầu tư. Mục tiêu là đến cuối năm 2026, toàn bộ hơn 60 triệu chiếc iPhone bán ra hằng năm tại Mỹ sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa Apple sẽ phải tăng gấp đôi sản lượng iPhone tại quốc gia Nam Á này sau khi đã đầu tư hàng thập kỷ để xây dựng một dây chuyền sản xuất tầm cỡ thế giới ở Trung Quốc — nơi góp phần giúp hãng có vốn hóa thị trường hơn 3.100 tỉ USD.

Lắp ráp iPhone là công đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất, nơi hàng trăm linh kiện được tập hợp lại với nhau để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện Apple vẫn phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp linh kiện đến từ Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai, ông Trump áp thuế 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, song sau đó đã tạm thời miễn áp dụng cho smartphone và các thiết bị điện tử phổ biến. Dù vậy, các thiết bị này vẫn chịu một mức thuế 20% riêng biệt áp dụng với mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ấn Độ bị Mỹ áp thuế đối ứng 26%, nhưng mức này đang được tạm hoãn trong khi quốc gia Nam Á thúc đẩy một hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Đầu tuần này, trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày của Phó tổng thống Mỹ JD Vance tới Ấn Độ, hai quốc gia đã ký kết các điều khoản tham chiếu cho thỏa thuận thương mại này.

Điều khoản tham chiếu giống như "kế hoạch khung" hoặc "bản đề cương" để cả hai bên cùng dựa vào trong suốt quá trình đàm phán, đảm bảo mọi việc diễn ra minh bạch, có định hướng và nhất quán.

“Chúng tôi tin rằng đây sẽ là bước đi quan trọng để Apple duy trì đà tăng trưởng. Chúng ta đang chứng kiến theo thời gian thực cách một công ty sở hữu nguồn lực dồi dào di chuyển với tốc độ tương đối nhanh để giải quyết rủi ro về thuế quan”, Daniel Newman, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Futurum Group, chia sẻ với trang Financial Times.

Apple sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 vào tuần tới khi các nhà đầu tư muốn biết tác động từ các kế hoạch áp thuế của ông Trump.

Apple đặt mục tiêu chuyển hoạt động lắp ráp tất cả iPhone được bán ở Mỹ sang Ấn Độ sớm nhất vào năm 2026 - Ảnh: Internet

Apple đặt mục tiêu chuyển hoạt động lắp ráp tất cả iPhone được bán ở Mỹ sang Ấn Độ sớm nhất vào năm 2026 - Ảnh: Internet

Hiện tại, Apple đã lắp ráp toàn bộ dòng iPhone tại Ấn Độ, gồm cả các mẫu cao cấp Pro vỏ titanium. Thành công trong sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp từ chính phủ, gắn liền với tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Ông Narendra Modi đang nỗ lực mở rộng ngành sản xuất linh kiện điện tử với gói hỗ trợ tài chính mới trị giá 2,7 tỉ USD và tập trung phát triển tham vọng sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Apple hiện chiếm gần 8% thị phần smartphone tại Ấn Độ, với doanh thu (phần lớn từ iPhone) đạt gần 8 tỉ USD trong năm tài chính 2024.

Trước khi có lệnh miễn trừ thuế đối ứng với nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng phổ biến, Apple đã lên kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều iPhone dành cho thị trường Mỹ tại Ấn Độ, nơi mức thuế sẽ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Các lãnh đạo Apple tin rằng đây sẽ là giải pháp ngắn hạn để tránh mức thuế cao ngất ngưởng của Mỹ với Trung Quốc và ngăn chặn việc phải tăng giá mạnh sản phẩm.

Khi các nhà máy tại Ấn Độ đang đạt tiến độ sản xuất hơn 30 triệu iPhone mỗi năm, sản lượng từ quốc gia này có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu từ Mỹ. Tuy nhiên, việc chuyển dịch như vậy sẽ rất khó thực hiện trơn tru, nhất là khi Apple đã gần đến giai đoạn sản xuất dòng iPhone 17, vốn chủ yếu thực hiện tại Trung Quốc.

Trong nội bộ Apple, các bộ phận tài chính và tiếp thị đã bắt đầu lo ngại về những tác động đến đợt ra mắt dòng iPhone 17 vào mùa thu, với cảm giác bất an rõ rệt.

Chỉ trong vài tháng, Apple sẽ cần phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là chuyển thêm sản xuất dòng iPhone 17 sang Ấn Độ hoặc nơi khác. Điều này có thể khiến Apple phải tăng giá và phải thương lượng gắt gao với các nhà cung cấp để cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, bộ máy tiếp thị nổi tiếng của Apple sẽ phải thuyết phục người tiêu dùng rằng những thay đổi đó (giá tăng, thay đổi nơi sản xuất) là xứng đáng.

Số iPhone trị giá 22 tỉ USD được lắp ráp ở Ấn Độ trong 12 tháng

Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3.2025, các đối tác cuaẢpple đã lắp ráp số iPhone trị giá 22 tỉ USD tại Ấn Độ, tăng sản lượng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc của Apple đang tiếp tục.

Theo các nguồn tin thân cận của Bloomberg News, Apple hiện sản xuất khoảng 20%, tức 1 trên 5 chiếc iPhone, tại Ấn Độ. Con số 22 tỉ USD phản ánh giá trị xuất xưởng ước tính của lượng iPhone đó, không phải giá bán lẻ đã được điều chỉnh tăng.

Sự gia tăng này cho thấy Apple và các nhà cung cấp của họ đang tăng tốc chuyển hướng sang Ấn Độ, quá trình bắt đầu khi các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 của Trung Quốc làm gián đoạn sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Phần lớn iPhone sản xuất tại Ấn Độ được lắp ráp tại nhà máy của Foxconn ở miền nam nước này. Tata Group đã mua lại các nhà máy của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại Ấn Độ. Pegatron Corp cũng là đối tác lắp ráp iPhone quan trọng cho Apple.

Apple đã xuất khẩu số iPhone trị giá hơn 1.500 tỉ rupee (tương đương 17,4 tỉ USD) từ Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025, Bộ trưởng Công nghệ của nước này cho biết.

Việc vận chuyển iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ gia tăng sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng vào tháng 2, theo các nguồn tin. Sản lượng và xuất khẩu trung bình của Apple từ Ấn Độ đã tăng đều trong suốt năm tài chính tính đến tháng 3.

Theo hãng tin ReutersThe Times of India, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ sang Mỹ trước khi mức thuế mới của ông Trump có hiệu lực.

Khoảng 6 chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã cất cánh kể từ tháng 3, trong đó có một chuyến tuần này, nguồn tin và một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận.

Theo số liệu đo lường của Reuters, trọng lượng đóng gói một chiếc iPhone 14 kèm cáp sạc vào khoảng 350 gram, cho thấy tổng hàng hóa 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi đã tính thêm phần trọng lượng bao bì.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/financial-times-apple-tim-cach-chuyen-viec-lap-rap-tat-ca-iphone-ban-o-my-sang-an-do-231936.html