Mỹ thả viện trợ xuống Gaza như thế nào?

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố kế hoạch thả lương thực và nhu yếu phẩm xuống Dải Gaza trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Dù vậy, rất khó để thực hiện thả hàng viện trợ từ trên không xuống một khu vực đông đúc như Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/3 đã công bố kế hoạch thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza, một ngày sau khi có thông tin lính Israel bị tố bắn vào đám đông người chờ viện trợ ở Thành phố Gaza, khiến ít nhất 104 người thiệt mạng và 208 người khác bị thương.

Mỹ sẽ sử dụng máy bay quân sự để thả hàng tiếp tế xuống Gaza. Dù chưa rõ cụ thể loại máy bay nào sẽ được sử dụng nhưng C-17 và C-130 là phù hợp nhất cho các hoạt động như vậy.

Máy bay C-17 Globemaster của Không quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Máy bay C-17 Globemaster của Không quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo Không quân Mỹ, một chiếc C-130 có thể chở được 16 pallet trong khi một chiếc C-17 có thể chở được 40 pallet. Hàng viện trợ sẽ được chất lên các pallet. Các pallet sau đó được chất lên máy bay và khóa cố định. Sau khi máy bay bay qua khu vực cần cung cấp, khóa sẽ được mở và hàng hóa được thả xuống với sự trợ giúp của một chiếc dù gắn trên pallet.

Mặc dù quân đội Mỹ có thể theo dõi tình hình thời tiết trước những đợt thả viện trợ như vậy, nhưng gió đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo chúng hạ cánh ở nơi cần thiết. Các video trên mạng xã hội cho thấy một số hàng viện trợ do các quốc gia khác thả xuống Gaza cuối cùng đã trôi ra biển.

Theo các quan chức Mỹ, Gaza có mật độ dân cư đông đúc, sẽ rất khó đảm bảo hàng viện trợ đến được với những người cần chúng và không rơi xuống những nơi không thể tiếp cận được.

Ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết: “Rất khó để thực hiện thả hàng viện trợ từ trên không xuống một khu vực đông đúc như Gaza”.

Các quan chức cũng nói rằng, nếu không có sự hiện diện của quân đội Mỹ trên thực địa, không có gì đảm bảo rằng viện trợ sẽ không rơi vào tay lực lượng Hamas.

Máy bay C-130 Hercules tại căn cứ không quân của Mỹ ở Ramstein, Đức, ngày 6/6/2023. Ảnh: Reuters

Máy bay C-130 Hercules tại căn cứ không quân của Mỹ ở Ramstein, Đức, ngày 6/6/2023. Ảnh: Reuters

Ngoài kế hoạch thả hàng viện trợ, Tổng thống Joe Biden cho biết ông cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang hàng hải để chuyển một lượng lớn hàng viện trợ vào Gaza.

Một quan chức Mỹ cho biết, lựa chọn khả thi là vận chuyển viện trợ bằng đường biển từ Síp, cách bờ biển Địa Trung Hải của Gaza khoảng 390km.

Quan chức này cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về sự tham gia của quân đội vào một hoạt động như vậy.

Thực tế, hành lang hàng viện trợ bằng đường biển cũng có nhiều thách thức, vì không có địa điểm khả thi để dỡ hàng hàng viện trợ xuống từ tàu.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCH) cho biết, ít nhất 576.000 người trên khắp Gaza, chiếm 1/4 dân số ở khu vực này, đang “đối mặt với mức độ thiếu thốn và đói khát thảm khốc” và “chỉ còn một bước nữa là đến nạn đói”.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), gần như toàn bộ dân số 2,2 triệu người cần viện trợ lương thực, trong đó 1/6 trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Trong khi đó, việc chuyển hàng viện trợ tới Gaza luôn là một vấn đề gây tranh cãi trong cuộc chiến đã kéo dài 5 tháng tại vùng đất bị phong tỏa này.

Liên Hợp Quốc cho biết việc phân phối viện trợ ở Gaza ngày càng trở nên khó khăn hơn. Theo dữ liệu và các quan chức của Liên Hợp Quốc, dòng viện trợ từ Ai Cập gần như cạn kiệt trong hai tuần qua và tình trạng an ninh sụp đổ khiến việc phân phối thực phẩm khó khăn.

Israel, quốc gia kiểm tra tất cả các xe tải vào Gaza từ cả hai cửa khẩu, đã đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc vì không cung cấp hàng viện trợ đủ nhanh sau khi chúng được thông quan và dẫn đến tình trạng người cần vẫn chưa nhận được hàng hóa cấp thiết.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-tha-vien-tro-xuong-gaza-nhu-the-nao-post1080081.vov