Mỹ 'thắng lớn' nếu thúc đẩy được 'siêu thỏa thuận' ở Trung Đông
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm giành được một 'món hời' ở Trung Đông, bao gồm việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
Theo hãng tin Reuters, ban cố vấn của Tổng thống Biden coi nỗ lực ngoại giao này là ưu tiên chính sách đối ngoại bất chấp nhiều chuyên gia lo ngại với thời điểm và tình hình như hiện nay, liệu một “siêu thỏa thuận” tại Trung Đông có thể định hình lại địa chính trị của khu vực hay không.
Theo một số người quen thuộc với vấn đề này, chính quyền Tổng thống Biden đang tìm kiếm một thỏa thuận lớn để bình thường hóa quan hệ Israel - Saudi Arabia, với các điều kiện bao gồm một sự nâng cấp trong quan hệ an ninh Mỹ - Saudi Arabia và sự nhượng bộ của Israel về vấn đề Palestine.
Trong khi các quan chức Mỹ nhấn mạnh sẽ còn rất lâu Washington mới chứng kiến bất kỳ đột phá nào trong quá trình tiến đến thỏa thuận song họ vẫn đưa ra những lợi ích tiềm tàng, bao gồm việc loại bỏ điểm nóng có thể xảy ra trong xung đột Arab-Israel, tăng cường năng lực phòng thủ vững chắc trong khu vực trước Iran và ngăn chặn việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc vào vùng Vịnh. Với một thỏa thuận được thiết lập, Tổng thống Biden cũng sẽ giành được chiến thắng tren mặt trận chính sách đối ngoại khi tìm cách tái tranh cử vào tháng 11/2024. Nếu giúp bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, chiến dịch của Tổng thống Biden sẽ thu hút các cử tri ủng hộ Israel trong cuộc tổng tuyển cử và khiến đảng Cộng hòa khó dùng mối quan hệ căng thẳng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để tấn công.
Jonathan Panikoff, cựu phó sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ chuyên về Trung Đông, hiện làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Có rất nhiều điều có thể phát triển theo hướng không mong muốn, nhưng một khi đạt được thỏa thuận, đó sẽ trở thành một thành tựu đỉnh cao trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden”.
Các nguồn tin cho biết mặc dù vẫn chưa lên khung thời gian cụ thể cho thỏa thuận này song các trợ lý của Tổng thống Biden hy vọng họ sẽ đạt được thỏa thuận trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống công bố chương trình nghị sự.
Không thể phủ nhận rằng các rào cản đối với một siêu thỏa thuận ở Trung Đông vẫn còn rất lớn và một trong những thách thức lớn nhất là chính quyền Tổng thống Biden phải “lấy lòng” Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Thái tử Mohammed bin Salman được cho là đang tìm kiếm một hiệp ước kiểu NATO, yêu cầu Mỹ tham gia để bảo vệ vương quốc trong trường hợp bị tấn công, đồng thời muốn có vũ khí tiên tiến và hỗ trợ cho chương trình hạt nhân dân sự.
Từ phía Israel, Saudi Arabia yêu cầu những nhượng bộ đáng kể đối với người Palestine. Đây là điều mà Tổng thống Biden cũng đang thúc đẩy nhưng chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu lại tỏ ra ít sẵn sàng chấp nhận.
Bên cạnh đó, muốn nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia, Tổng thống Biden sẽ vấp phải sự phản kháng tại Quốc hội, khi một bộ phận chỉ trích vai trò của Thái tử Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 và hoạt động can thiệp của Riyadh vào Yemen.
Đối với Israel, thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia sẽ mở đường cho việc mở rộng hội nhập kinh tế của Israel ở Trung Đông rộng lớn hơn. Tuy nhiên, điều kiện nhượng bộ người Palestine vẫn là một mục tiêu khó khăn. Cho đến nay, liên minh của Thủ tướng Netanyahu vẫn muốn mở rộng các khu định cư và có thể sáp nhập các phần của Bờ Tây, gây ra những xáo trộn ở Palestine.