Mỹ thay đổi hải trình, Anh lại đưa tàu chiến tới Biển Đen
Anh sẽ cử một tàu khu trục và khinh hạm chống ngầm đến Biển Đen vào tháng 5 tới để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine và các đồng minh NATO trong khu vực, Times dẫn các nguồn tin trong Hải quân Hoàng gia Anh cho hay.
Theo Times, các tàu này sẽ được tách ra khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia ở Địa Trung Hải, hướng tới Bosphorus để vào Biển Đen tháng tới.
Các máy bay chiến đấu F-35 và trực thăng Merlin trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ sẵn sàng bay đến viện trợ trong trường hợp có mối đe dọa từ tàu, tàu ngầm hoặc máy bay của Nga, tờ báo viết. Đồng thời, tàu sân bay sẽ ở lại Địa Trung Hải do lệnh cấm đi vào Biển Đen.
Times dẫn một nguồn tin Hải quân Anh cho biết London ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraine đang trở nên căng thẳng, và Mỹ đã quyết định bỏ kế hoạch đưa tàu chiến đến Biển Đen.
Như tin đã đưa trước đó, Mỹ lên kế hoạch đưa các tàu của mình đến Biển Đen. Các tàu khu trục Roosevelt và Donald Cook sẽ ở lại đây từ 14-15/4 đến 4-5/5. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, các hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen là "thông lệ", Mỹ phối hợp các hành động này với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ theo Công ước Montreux.
Tuy nhiên đế ngày 16/4, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được thông báo về việc hủy bỏ nviệc qua lại của các tàu Mỹ. Báo Politico đưa tin, Lầu Năm Góc đưa ra quyết định như vậy vì lo ngại căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Các nước phương Tây gần đây đã bày tỏ quan ngại trước việc Nga được cho rằng đang tăng cường "các hành động gây hấn" ở Ukraine.
Trước đó, ngày 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm về Ukraine. Ông Biden cho biết ông lo ngại về việc Nga điều động một số lượng lớn binh sĩ tới gần biên giới Ukraine và đề nghị Nga giảm căng thẳng với láng giềng.
Trong khi đó, Nga khẳng định động thái điều quân là để đảm bảo an ninh quốc gia nhằm phản ứng với việc các nước NATO đang tăng cường hiện diện gần biên giới Nga.