Mỹ 'thay máu' lực lượng tên lửa chiến thuật sau khi rút khỏi INF

Với việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF), Quân đội Mỹ đang tích cực nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng tên lửa chiến thuật lục quân với chiến lược phát triển mới. Các thế hệ tên lửa chiến thuật mới sẽ thay thế dòng tên lửa ATACMS của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ từ giữa thập kỷ này.

ATACMS đã lạc hậu sau 3 thập kỷ

 Sau nhiều thập kỷ phục vụ, năng lực tác chiến của dòng tên lửa chiến thuật ATACMS đã không đáp ứng được yêu cầu của Quân đội Mỹ.

Sau nhiều thập kỷ phục vụ, năng lực tác chiến của dòng tên lửa chiến thuật ATACMS đã không đáp ứng được yêu cầu của Quân đội Mỹ.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, ATACMS ra đời vào năm 1991, khi Mỹ vẫn còn bị ràng buộc bởi hàng loạt hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, trong đó có INF. Chính vì thế, tính năng của dòng tên lửa chiến thuật này bị giới hạn rất nhiều về khả năng chiến đấu và do số lượng sản xuất có giới hạn nên giá thành chế tạo chúng cũng đắt đỏ hơn nhiều so với các dòng tên lửa hành trình của Không quân và Hải quân Mỹ. Tính tới khi dây chuyền lắp ráp đạn ATACMS đóng cửa vào năm 2007, Quân đội Mỹ đã tiếp nhận khoảng 3.700 đạn tên lửa chiến thuật loại này.

Giới chức quân sự Mỹ quyết định dừng trang bị ATACMS do sự mất cân bằng giữa giá thành và hiệu quả sử dụng của dòng vũ khí này. Tính năng của ATACMS hoàn toàn thua kém so với vũ khí cùng loại của Nga và Trung Quốc. Các đơn vị tên lửa ATACMS hiện có của Mỹ đang được nâng cấp. Tuy nhiên, mục đích chính của hoạt động này không phải là nâng cao hiệu quả tác chiến của chúng, mà là kéo dài thời gian hoạt động cho tới khi dòng tên lửa chiến thuật mới trong giữa thập kỷ 2020. Việc thay thế hoàn toàn ATACMS sẽ diễn ra trong giai đoạn 2028-2030.

Bệ phóng cũ, tên lửa mới

Trước khi INF đổ vỡ, ngay từ năm 2016, Quân đội Mỹ đã khởi động chương trình Vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới – LRPF để tìm kiếm dòng tên lửa chiến thuật mới thay thế ATACMS. Lockheed Martin và Raytheon là hai nhà thầu được chọn phát triển nguyên mẫu tên lửa mới.

Với những yêu cầu phát triển mới được bổ sung, chương trình LRPF được đổi tên thành PrSM. Do không còn bị giới hạn bởi INF, tầm bắn của tên lửa được nâng từ 499 lên 750km, tương đương với các dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn; vẫn sử dụng được trên khung gầm pháo phản lực M270 và M142 và có kích thước tổng thể nhỏ hơn để tăng số lượng tên lửa đặt trên giá phóng (4 tên lửa mỗi bệ). Hướng phát triển của PrSM sẽ giúp Mỹ có được vũ khí tiến công chiến thuật mới có tính năng tương đương với dòng vũ khí cùng loại của Nga và Trung Quốc, như tên lửa Iskander.

 Nguyên mẫu đạn tên lửa PrSM.

Nguyên mẫu đạn tên lửa PrSM.

Các thử nghiệm của PrSM đầu tiên được tiến hành trong năm 2019 với các vụ phóng nguyên mẫu do Lockheed Martin trong tháng 10 cùng năm. Nguyên mẫu tên lửa PrSM trong các vụ phóng thử nghiệm đã đạt tầm xa 240km và được xác nhận có thể đạt tầm trên 500km trong các vụ phóng thử sắp tới.

Trái ngược với Lockheed Martin, chương trình phát triển của Raytheon không đạt được kết quả như kỳ vọng. Do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, nguyên mẫu PrSM của hãng chế tạo Mỹ đã không thể tiến hành các bài thử nghiệm. Tới cuối tháng 3/2020, Lầu Năm góc đã quyết định loại Raytheon khỏi chương trình phát triển PrSM.

Dòng tên lửa chiến thuật phổ dụng mới của Quân đội Mỹ

Với tiến trình phát triển hiện tại, Lockheed Martin sẽ là nhà thầu duy nhất phát triển PrSM. Dự kiến, quá trình hoàn thiện PrSM sẽ diễn ra vào năm 2023 để đưa vào trang bị Quân đội Mỹ từ năm 2025.

Giới chuyên gia nhận định, dòng tên lửa chiến thuật mới do Lockheed Martin rất có tiềm năng không chỉ cho Quân đội Mỹ, mà còn là các gói nâng cấp và chuyển đổi của quân đội các nước đang sử dụng các dòng pháo phản lực do Mỹ phát triển. Điều này nằm ở việc, thiết kế của PrSM mới ở dạng module hóa và vẫn sử dụng nền tảng xe phóng cũ là M270 và M142 giúp việc chuyển đổi diễn ra dễ dàng và nhanh chóng.

Theo Lockheed Martin, tên lửa PrSM đáp ứng khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 60 tới 500km ở phiên bản tiêu chuẩn và có thể tăng tầm do không còn bị giới hạn bởi INF. Khả năng tấn công chính xác cao, giúp PrSM tung các đòn tấn công hiệu quả vào các mục tiêu nằm sâu trong hậu tuyến đối phương như kho tàng, sở chỉ huy và các khí tài đắt giá khác… Đây là yếu tố giúp tên lửa chiến thuật mới tăng sức hút trên thị trường vũ khí quốc tế trước các đối thủ tên lửa chiến thuật từ Nga và Trung Quốc. Khi so sánh với tổ hợp Iskander của Nga, thông số kỹ thuật của PrSM đều đáp ứng được khả năng tương đương dù nó vẫn đang trong quá trình phát triển.

 PrSM chính là đối trọng với dòng tên lửa chiến thuật Iskander của Nga tại châu Âu.

PrSM chính là đối trọng với dòng tên lửa chiến thuật Iskander của Nga tại châu Âu.

Điểm yếu của PrSM là thiếu phiên bản tên lửa có khả năng tấn công tầm xa tới 2.500km, tương tự như Iskander với biến thể tên lửa hành trình. Tuy nhiên, do học thuyết quân sự của Mỹ khác với Nga, sự thiếu sót của PrSM có thể được bù đắp bởi các loại tên lửa tiến công đường không hay từ chiến hạm. Trong tương lai, PrSM cơ bản sẽ thay thế ATACMS để trở thành dòng vũ khí phổ dụng của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ với khả năng đáp ứng dài tác chiến từ pháo binh tầm xa tới tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của dòng vũ khí này tới đâu vẫn cần thời gian và thực tế chiến trường chứng minh.

Theo Tuấn Sơn/Quân đội Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-thay-mau-luc-luong-ten-lua-chien-thuat-sau-khi-rut-khoi-inf/20200408083438664