Không quân Mỹ hiện nay được trang bị một số lượng lớn máy bay cường kích chiến đấu F-15E Strike Eagle; đây là phiên bản tiến công mặt đất, được phát triển trên cơ sở mẫu tiêm kích F-15C/D; do vậy F-15E có khả năng cả không chiến và tấn công mặt đất.
F-15E được thiết kế để tiến công tầm xa các mục tiêu mặt đất, sâu trong lãnh thổ đối phương. Strike Eagle chứng minh giá trị của nó trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, thực hiện các phi vụ tấn công sâu vào các mục tiêu trọng yếu và yểm trợ các lực lượng Liên quân trên bộ.
Có thể phân biệt F-15E Strike Eagle khác F-15 Eagle nhờ màu sơn ngụy trang đậm hơn và các thùng nhiên liệu phụ gắn lên thân máy bay. Dòng chiến đấu cơ F-15 cũng là chiến đấu cơ được coi là “bất bại”, khi tiêu diệt hàng trăm máy bay chiến đấu của đối phương, nhưng chưa hề bị bắn hạ.
Vai trò tấn công mặt đất, làm cho F-15E nó thay đổi khá nhiều so với F-15, vốn được thiết kế để làm máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Hiện tại, Không quân Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu dòng F-15E Strike Eagle ở châu Âu và máy bay chiến đấu F-15C/D ở châu Á.
Vào ngày 7/10 vừa qua, máy bay chiến đấu tấn công F-15E của Phi đội thử nghiệm số 96 của Không quân Mỹ, đã hoàn thành một loạt ba cuộc thử nghiệm với bom xuyên GBU-72 từ độ cao 10.700 mét, thuộc Căn cứ Không quân Eglin.
Bom GBU-72 là loại bom xuyên, có điều khiển, trọng lượng đến 2.200 kg, được phát triển để phá hủy các mục tiêu kiên cố, ngầm dưới đất; có thể trang bị cho cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Bom xuyên GBU-72 sẽ có khả năng sát thương cao hơn đáng kể so với loại bom xuyên cũ là GBU-28.
Trước đây, Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2A để thử nghiệm bom xuyên GBU-57. có trọng lượng đến 13.608 kg. GBU-57 được ví là “Mẹ của các loại bom (MOA)”, chuyên để phá hầm ngầm sâu trong các dãy núi; và chỉ duy nhất loại máy bay B-2A mang được loại bom này.
Máy bay ném bom B-2A là máy bay ném bom chiến lược, có khả năng tàng hình radar, do đó mang GBU-57 có khả năng răn đe mạnh và có thể tấn công các trung tâm chỉ huy quan trọng trong boongke ngầm. Theo nguồn tin, bom GBU-57 được thiết kế với mục đích là phá hủy các cơ sở hạt nhân ngầm dưới đất của Iran và Triều Tiên.
So với bom mẹ GBU-57, máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle chỉ có thể mang được bom GBU-72 nặng 2.200 kg. Giữa hai loại bom xuyên, có khoảng cách lớn về sức tấn công; nhưng nó vẫn có một điểm chung là khả năng xuyên sâu vào lòng đất mới phát nổ.
Bom GBU-72 sẽ là bom xuyên hạng trung, trước hết là trang bị cho tiêm kích bom F-15E của Không quân Mỹ, và máy bay cũng chỉ có khả năng mang một quả bom duy nhất. Với bom GBU-72, đã nâng cao hơn nữa năng lực chiến đấu của loại máy bay này, nhất là khả năng phá hủy các boongke ngầm dưới đất.
Hiện nay trong Không quân Trung Quốc, cũng được trang bị máy bay chiến đấu hạng nặng J-16; đây là mẫu sao chép từ Su-30MKK mà Trung Quốc nhập từ Nga; các chỉ số kỹ chiến thuật tương tự như F-15E của Không quân Mỹ.
Chiến đấu cơ J-16 có khả năng không chiến, cũng như tấn công mục tiêu mặt đất và mặt biển khi mang tên lửa chống hạm. Xét về khả năng trọng tải vũ khí và tầm hoạt động, tiêm kích hạng nặng J-16 không kém so với F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ.
Do vậy truyền thông Trung Quốc kêu gọi J-16 hoàn toàn có thể “học hỏi kinh nghiệm” của F-15E của Mỹ, khi mang bom xuyên phá hầm ngầm. Họ cho rằng, nếu J-16 của Trung Quốc được trang bị bom xuyên như GBU-72 của Mỹ, chúng có thể trở thành “xe tải bom”, xứng đáng hơn với tên gọi.
Hiện tại, máy bay chiến đấu hạng nặng J-16 đã được Không quân Trung Quốc trang bị với số lượng tương đối lớn, và có khả năng là loại chiến đấu cơ chủ lực, trong công cuộc “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực, nếu hòn đảo này kiên quyết đòi độc lập.
Nhưng hiện chỉ Mỹ và Nga (chủ yếu là Mỹ) đang sở hữu các loại bom xuyên phá hầm ngầm và họ cũng sử dụng tương đối ít loại vũ khí này; và cũng không lạ gì việc Trung Quốc “học hỏi kinh nghiệm” từ các quốc gia khác. Do vậy nếu sau này, nếu J-16 của Trung Quốc có thử bom xuyên giống của Mỹ, thì không có gì là lạ.
Tiến Minh