Mỹ thử nghiệm tiêm liều lượng khác nhau vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 8/9, giới chức y tế Mỹ thông báo sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm các liều lượng khác nhau của vaccine Jynneos phòng bệnh đậu mùa khỉ do hãng Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về tính hiệu quả của vaccine.
Cuộc thử nghiệm trên do Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) tài trợ, có sự tham gia của 200 người trưởng thành từ độ tuổi 18 - 50 tuổi tại Mỹ. Giám đốc NIAID Anthony Fauci nhấn mạnh cuộc thử nghiệm sẽ cung cấp thông tin quan trọng về khả năng sinh miễn dịch, tính an toàn và khả năng dung nạp vaccine qua các liều lượng tiêm khác nhau, từ đó cho phép mở rộng phân bổ vaccine này.
Những người tham gia được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên sẽ được tiêm dưới da 2 mũi với khoảng cách giữa các mũi là 28 ngày. Nhóm thứ hai được tiêm trong da, nghĩa là giữa các lớp da. Phương pháp này sẽ đáp ứng việc mở rộng nguồn cung vaccine sẵn có bởi mỗi mũi tiêm chỉ sử dụng 20% liều lượng tiêu chuẩn. Nhóm thứ ba cũng sẽ được tiêm trong da, nhưng với liều lượng bằng một nửa của nhóm thứ hai.
Các nhà khoa học sẽ kiểm tra các phản ứng miễn dịch ở mức đỉnh và so sánh các tác dụng phụ giữa các nhóm.
Vaccine Jynneos của hãng dược phẩm Bavarian Nordic đã được Mỹ cấp phép sử dụng nhằm phòng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Những người từ 18 tuổi trở lên được phép tiêm vaccine này.
Trước đó, nhằm tăng số liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã điều chỉnh liều lượng vaccine mỗi mũi tiêm cho người dân. Theo đó, mỗi mũi tiêm chỉ sử dụng tối đa 20% liều lượng của mũi tiêm hiện tại. Theo thống kê, kể từ khi bệnh đầu mùa khỉ lây lan mạnh trên toàn cầu hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã ghi nhận trên 20.000 ca bệnh.