Mỹ thừa nhận F-35 gặp vấn đề nghiêm trọng
Dù nhiều phi đội F-35 đã được biên chế tại 9 quốc gia, dự án F-35 vẫn chưa hoàn tất phát triển, khi nhiều máy bay gặp vấn đề kỹ thuật.
Ngày 12/1, hãng Bloomberg tiết lộ nội dung báo cáo sắp công bố của Trưởng ban Kiểm tra Vận hành và Đánh giá hoạt động thuộc Lầu Năm Góc Robert Behler, trong đó cho biết chiến đấu cơ F-35 vẫn tồn tại lượng lớn vấn đề về kỹ thuật.
Nguồn tin này cho biết, chương trình F-35 hiện còn ít nhất 871 lỗi, chỉ giảm hai lỗi so với đầu năm ngoái và 941 lỗi hồi năm 2018. Những lỗi phần cứng và phần mềm chưa được khắc phục này gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo dưỡng của dòng F-35.
Hiện Phát ngôn viên Văn phòng F-35 thuộc Lầu Năm Góc Laura Seal từ chối bình luận cho tới khi báo cáo của Behler được công bố.
Nhưng đây chưa phải là tất cả những vấn đề chương trình F-35 gặp phải. Hiện nay, dự án F-35 cũng đang đối mặt tình trạng thiếu 10 tỷ USD ngân sách trong giai đoạn 2021-2025.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua ngân sách 78 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, mua sắm, vận hành, bảo dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho dòng F-35 trong 5 năm tới, trong khi Lầu Năm Góc ước tính sẽ cần đến 88 tỷ USD.
Chương trình F-35 được khởi động từ năm 2001, thời điểm Lockheed Martin được chọn làm nhà thầu cho chương trình Tiêm kích Tiến công Liên quân (JSF). Mỹ đã xuất xưởng và bàn giao tổng cộng 600 tiêm kích F-35 trong số 3.200 chiếc dự kiến được chế tạo.
Mặc dù số lượng lớn tiêm kích đã được bàn giao và đưa vào vận hành nhưng chúng vẫn liên tục bị phát hiện có những lỗi mới. Đây được coi là một phần nguyên nhân khiến Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì lực lượng Ellen Lord hôm 2/1 hủy "Cột mốc C".
Đây thời điểm ra quyết định tăng tốc hết công suất với dây chuyền sản xuất hàng loạt tiêm kích F-35 dự kiến diễn ra vào tháng 3 năm nay.
Nếu được thông qua, quyết định cho phép sản xuất hết công suất được coi là "con dấu chứng nhận" của Lầu Năm Góc rằng tiêm kích F-35 đã được thử nghiệm đầy đủ, có hiệu quả với những mối đe dọa nguy hiểm nhất, có thể đáp ứng mục tiêu bảo dưỡng và dây chuyền chế tạo vận hành hiệu quả.
Đây có thể là nguyên nhân khiến tạp chí National Interest (Mỹ) dẫn nguồn tin quân sự nước này thừa nhận F-35 đuối sức trước Su-57 của Nga trong một cuộc đối đầu. Sức mạnh vượt trội nhất của Su-57 trước F-35 là sự cơ động và khả năng tàng hình cực mạnh.
Ngoài ra, tiêm kích tàng hình Nga còn được trang bị hệ thống hỏa lực không đối không và không đối đất cực mạnh, trong đó bao gồm tên lửa không đối không R77 và hai quả bom chống hạm 1.500 kg. Đặc biệt, Sukhoi Su-57 còn được trang bị khẩu pháo 30 mm GSh-30-1, có thể bắn 1.800 viên đạn/phút.
Báo Mỹ cho rằng, chính sự yếu kém của F-35 khiến Mỹ phải lên kế hoạch phát triển máy bay thế hệ 6 F/A-XX nhằm đối trọng với Su-57 thuộc thế hệ 5. "Tiêm kích F/A-XX được nghiên cứu và sản xuất chỉ với mục đích duy nhất nhằm khắc chế các dòng máy bay chiến đấu Su-57 của Nga và J-20 của Trung Quốc", chuyên gia hàng không quân sự Mỹ, Dave Majumdar nói.