Mỹ thuật ứng dụng công nghệ mới
Việc ứng dụng các công nghệ mới hỗ trợ nghệ sĩ sáng tạo sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật, lưu trữ bằng công nghệ số, giúp chia sẻ, kết nối nhanh chóng thông qua internet như dịch vụ văn hóa… đã mở ra cho mỹ thuật, nhiếp ảnh có thêm nhiều cơ hội trong giao lưu, tiếp cận thế giới.
Song xu hướng đó cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho lực lượng sáng tác và cả nhà quản lý.
Mở ra cơ hội mới
Ở lĩnh vực sáng tác, nhiều họa sĩ sử dụng bàn phím và con chuột thay bàn tay và bút vẽ để bắt góc chỉnh tỉa từng đường nét… Người làm phim hoạt hình sử dụng công nghệ 2D đến 3D cũng thay thế ngòi bút vẽ từng nhân vật.
Giá vẽ truyền thống bị bó hẹp, để tìm kiếm cách thể hiện mới trong tạo hình như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và Video Art nhằm gần gũi với công chúng hơn.
Nói cách khác, mỹ thuật lúc này đã vận dụng nghe - nhìn để tạo ra các tác phẩm mang tới công chúng thông qua thị giác - thính giác, chứ không chỉ có cái nhìn bằng đôi mắt đơn thuần như xưa.
Người trực tiếp sáng tác, sự tham gia của các loại hình công nghệ mới, khiến việc biểu đạt các ý tưởng nghệ thuật được hiện thực hóa tốt hơn, chi tiết và sinh động hơn. Trong lĩnh vực mỹ thuật đã và đang hình thành một đội ngũ họa sĩ kỹ thuật số.
“Công nghệ mang đến phương tiện và khả năng biểu đạt mới, chưa từng có trước đó và cũng đưa đến cho người xem những trải nghiệm khác lạ với mỹ thuật truyền thống”, PGS-TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói.
Người xem không chỉ cảm nhận tác phẩm bằng các yếu tố tạo hình như ánh sáng, màu sắc, đường nét, bố cục, không gian…, mà còn cả bằng âm thanh, sự chuyển động - sự mở rộng và kết hợp các giác quan trong hưởng thụ tác phẩm. Sự thay đổi về sáng tác kéo theo đó là sự thay đổi về cách thức hưởng thụ tác phẩm của công chúng.
Chẳng hạn, dự án Into Thin Air cho phép công chúng xem tác phẩm qua ứng dụng trên điện thoại di động, mặc dù tác phẩm không hiện hữu tại địa điểm. Hoặc triển lãm Van Gogh tổ chức đầu tháng 3 vừa qua cho thấy một cách thức triển lãm khác với tác phẩm được số hóa.
Không dừng lại ở sáng tác, họa sĩ Vũ Huy Thông cũng dẫn chứng sự bùng nổ của loại hình “gallery online” xóa bỏ mọi rào cản về địa lý, thời gian, không gian và ngôn ngữ, đã đưa đến tác động mang tính bản lề đối với các nghệ sĩ cũng như nhà sưu tập.
Với ưu thế về khả năng kết nối, tương tác khép kín, ngành kinh doanh tác phẩm mỹ thuật trong tương lai gần cũng sẽ vận hành theo những cách thức tương tự những ngành nghề sản xuất công nghiệp, tức quy trình từ người sản xuất (nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật) qua khâu trung gian (hệ thống gallery online) tới người mua (nhà sưu tập) sẽ trở nên nhanh chóng, tin cậy và tiện dụng hơn bao giờ hết. Cũng nhờ đó thị trường mỹ thuật trong nước được xích lại gần hơn với thế giới.
Sẽ còn những khó khăn
Kiến trúc sư Việt Phương cũng đánh giá cao vai trò thúc đẩy của công nghệ trong mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Ông phân tích việc ứng dụng thực tế ảo VR có thể giúp các trưng bày bảo tàng trở nên sống động hơn, bán vé tốt hơn.
Các triển lãm ảo hiện tại mới chỉ lác đác tại Việt Nam nhưng có hiệu quả, chẳng hạn triển lãm thực tế ảo “Bên trong Sơn Đoòng” tại TPHCM là cơ hội trải nghiệm hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc số hóa các tư liệu với di sản trong nước mới được thực hiện lẻ tẻ.
Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, thẳng thắn thừa nhận, cản trở lớn nhất vẫn là tiền và nhân lực: “Một bóng đèn chiếu sáng vừa không làm hại tới tác phẩm lại vừa đem lại hiệu ứng tốt cho người xem thì có giá lên tới vài ngàn USD. Một tác phẩm lại cần đến vài cái đèn như thế thì lực bất tòng tâm”.
Dưới góc nhìn của người nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Lâm Tuấn Anh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cũng cho rằng, công nghệ số sẽ làm thay đổi cách thức đào tạo, thay đổi phương thức giáo dục nghệ thuật truyền thống trước đây.
Người giảng dạy môn mỹ thuật phổ thông không chỉ cần được trang bị những năng lực mỹ thuật cơ bản, mà còn cần phải có các kỹ năng thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học nhằm hỗ trợ, khuyến khích người học tự học tập, tìm kiếm và chọn lọc kiến thức, hoạt động độc lập và sáng tạo thông qua môi trường giáo dục và các phương tiện công nghệ truyền thông.
Hiện tại, không chỉ nghèo nàn về thiết bị mà thực tế, hầu hết nhân lực của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm Việt Nam ít được trang bị kiến thức về khoa học công nghệ, chưa nhận thức được tầm quan trọng cũng như nắm bắt ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tác phẩm…
Cùng với đó sẽ còn những khó khăn trong việc thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đối với sản phẩm nghệ thuật trong xu thế chia sẻ dữ liệu lớn trên môi trường internet, song cơ hội vẫn dành cho tất cả.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/my-thuat-ung-dung-cong-nghe-moi-607040.html