Mỹ thuật ứng dụng góp phần phát triển văn hóa
Mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) bao gồm các thiết kế mỹ thuật và sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên các chất liệu như: sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, gỗ, kim loại... Sản phẩm MTƯD ra đời đã và đang dần khẳng định những giá trị thiết thực, vừa ứng dụng làm đẹp cho cuộc sống vừa gìn giữ giá trị văn hóa.
Tại Đồng Nai, ngành học MTƯD dẫu không còn thu hút lượng sinh viên theo học đông đảo như trước nhưng đây vẫn là ngành được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
* Ngành học được ưa chuộng
TS.Trương Đức Cường, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, một trong những lý do khiến MTƯD thu hút thí sinh hơn các ngành mỹ thuật khác là bởi đầu ra và cơ hội tìm kiếm việc làm cao. Dù ở Đồng Nai nhu cầu với ngành này chưa nhiều so với TP.Hồ Chí Minh nhưng hầu hết sinh viên ra trường đều tìm được việc làm phù hợp, thu nhập tương đối ổn định.
Là cựu sinh viên ngành điêu khắc của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trần Đình Thắng (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai) cho biết, anh rất hào hứng và đam mê công việc của mình. “Tôi học chuyên ngành điêu khắc nhưng thời gian đầu mới ra trường, tôi làm đủ việc, từ vẽ trang trí đến điêu khắc, nhất là điêu khắc tượng và phù điêu trang trí. Hiện tại, ngoài nhận các công trình mỹ thuật trang trí tại nhà, tôi có xưởng điêu khắc riêng tại TP.Hồ Chí Minh. Thu nhập tương đối ổn định” - anh Trần Đình Thắng nói.
Thầy Đinh Công Việt Khôi, giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai chia sẻ: “MTƯD là sự kết hợp giữa thực dụng và cái đẹp, giữa giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Sản phẩm MTƯD làm ra không chỉ để trưng bày mà phải mang tính ứng dụng thực tiễn. Điều đó đòi hỏi họa sĩ, người thiết kế phải tư duy sáng tạo, thạo nghề mới làm ra được sản phẩm đáp ứng được yêu cầu sử dụng”.
Bên cạnh những kiến thức nền về mỹ thuật, sinh viên theo học MTƯD cũng phải thông thạo công nghệ, biết vận dụng công nghệ, kỹ năng kỹ xảo để làm nổi bật cái riêng của bản thân. Có như vậy, sản phẩm ra đời mới đa dạng, phong phú, tạo khác biệt và nâng cao sức cạnh tranh.
* Góp phần phát triển văn hóa, du lịch
Theo TS.Trương Đức Cường, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, sản phẩm của MTƯD có ảnh hưởng to lớn đòi hỏi mỗi họa sĩ, người thiết kế không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn kịp thời nắm bắt xu thế của thời đại để tạo ra sản phẩn tương xứng. Mặc dù tại khu vực Đông Nam bộ, MTƯD không vượt ra ngoài khuôn khổ chung của mỹ thuật Việt Nam nhưng có những đặc điểm riêng, sắc thái riêng tạo ra vị thế, uy tín của thị trường tiêu thụ và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.
Nhiều sản phẩm của MTƯD trong các công trình như: Văn miếu Trấn Biên, Chiến khu Đ góp phần quảng bá, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa. Riêng sản phẩm lưu niệm du lịch, nhiều sản phẩm của Đồng Nai mang đặc trưng riêng của con người, vùng đất được giới thiệu rộng rãi như: bình rượu bưởi Nhân Hòa, bình rượu vang Thanh Long, một số dĩa, chén trên chất liệu gốm truyền thống... Bằng tài năng sáng tạo, các họa sĩ, nghệ sĩ đã và đang đánh thức, làm cho sản phẩm cất lên được tiếng nói, hồn cốt riêng.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai), để tạo sự nét riêng của sản phẩm MTƯD Biên Hòa - Đồng Nai, người họa sĩ, thiết kế cần kết hợp truyền tải những giá trị văn hóa bên trong các sản phẩm. Sự lãng quên tính truyền thống hoặc chỉ biết sao chép, rập khuôn những mẫu đã có sẽ biến sản phẩm thành những bản photocopy nhàm chán, không tạo nên được thương hiệu và không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
ThS.Nguyễn Trường Giang, phụ trách Khoa Điêu khắc Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết: “Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết giữa các đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực MTƯD, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm MTƯD có chất lượng tốt. Đề cao tính dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nhằm giúp xã hội hiểu hơn về tiềm năng, vai trò của MTƯD trong đời sống và phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa”.