Mỹ tiếp tục thu hồi giấy phép của các tập đoàn dầu khí đa quốc gia tại Venezuela

Sau khi Mỹ thu hồi giấy phép của Chevron từ cuối tháng Hai, Caracas thông báo tối Chủ nhật rằng Mỹ đã thu hồi giấy phép của 'các tập đoàn dầu khí đa quốc gia' từng được phép hoạt động tại Venezuela.

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo tối Chủ nhật rằng Mỹ đã thu hồi giấy phép của “các tập đoàn dầu khí đa quốc gia” từng được phép hoạt động tại Venezuela. Ảnh AFP

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo tối Chủ nhật rằng Mỹ đã thu hồi giấy phép của “các tập đoàn dầu khí đa quốc gia” từng được phép hoạt động tại Venezuela. Ảnh AFP

Theo Wall Street Journal, quyết định này không gây bất ngờ, mà ngược lại, khẳng định chính quyền của ông Donald Trump đang siết chặt vòng vây kinh tế nhằm làm suy yếu Venezuela.

Ngoài ra, ông Trump cảnh báo sẽ tăng thuế 25% đối với hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào mua dầu từ Venezuela.

Thông cáo không nêu rõ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng sau khi Mỹ thu hồi giấy phép của Chevron từ cuối tháng Hai, giới quan sát dự đoán các tập đoàn dầu khí châu Âu như Repsol (Tây Ban Nha) và Maurel và Prom (Pháp) cũng có thể mất quyền hoạt động.

Theo Wall Street Journal, Mỹ đã yêu cầu công ty Global Oil Terminals của tỷ phú Harry Sargeant III chấm dứt mọi hoạt động tại Venezuela.

“Đã chuẩn bị sẵn”

Các tập đoàn năng lượng như Eni (Ý) và Reliance Industries (Ấn Độ), vốn tham gia khai thác khí đốt, cũng có thể chịu ảnh hưởng từ quyết định của Mỹ.

Chevron khai thác khoảng 220.000 thùng dầu/ngày, Repsol khoảng 65.000 thùng, còn Maurel & Prom khoảng 20.000 thùng.

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cho biết: “Chúng tôi đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các tập đoàn dầu khí hoạt động tại Venezuela. Trong những giờ qua, họ đã được Chính phủ Mỹ thông báo về quyết định thu hồi giấy phép”.

Bà khẳng định Caracas đã chuẩn bị cho tình huống này và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp theo đúng Hiến pháp và luật pháp Venezuela. “Như chúng tôi luôn nhấn mạnh, các công ty quốc tế không cần sự cho phép của bất kỳ Chính phủ nước ngoài nào để hoạt động tại Venezuela”.

Tuy nhiên, các công ty vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt.

Cuối tháng Hai, Tổng thống Trump đã thu hồi giấy phép của Chevron - vốn được cấp dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho phép tập đoàn này tiếp tục hoạt động bất chấp lệnh trừng phạt. Ngoài Chevron, một số công ty khác cũng nhận được giấy phép tương tự.

Ban đầu, Washington yêu cầu Chevron ngừng hoạt động tại Venezuela trước ngày 3/4, nhưng sau đó đã gia hạn đến ngày 27/5.

Nguy cơ khủng hoảng mới

Venezuela sở hữu trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản lượng khai thác từng đạt mức kỷ lục 3,5 triệu thùng/ngày từ đầu những năm 2000, nay chỉ còn khoảng 1 triệu thùng do quản lý yếu kém, tham nhũng và các lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2019.

Từ năm 2014 đến 2021, kinh tế Venezuela suy thoái liên tiếp tám năm, GDP giảm 80%, chủ yếu do giá dầu lao dốc và sản lượng giảm mạnh, chạm mức thấp nhất 300.000 thùng/ngày trước khi hồi phục nhẹ.

Khoảng 8 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước do khủng hoảng kinh tế và chính trị.

Nguy cơ khủng hoảng mới đang dần hiện hữu, với lạm phát tăng vọt và nguy cơ thiếu hụt hàng hóa. Những ngày gần đây, tỷ giá USD trên thị trường chợ đen đã tăng mạnh so với tỷ giá chính thức.

“Chevron là một trong những nguồn cung ngoại tệ chính cho hệ thống ngân hàng”, chuyên gia tư vấn César Aristimunõ nhận định với AFP, nhấn mạnh rằng sự ra đi của tập đoàn này đã “gây lo ngại lớn tại Venezuela”

Sự rút lui của các tập đoàn dầu khí quốc tế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ngân sách và nguồn ngoại tệ của Chính phủ Venezuela.

Nh.Thạch

Wall Street Journal

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-tiep-tuc-thu-hoi-giay-phep-cua-cac-tap-doan-dau-khi-da-quoc-gia-tai-venezuela-725829.html