Mỹ - Trung bước vào cuộc đua mới sau vụ phóng Artemis I
5 thập kỷ sau khi lần đầu đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng, nước Mỹ lại bắt đầu một cuộc đua trên không gian tiếp theo với một đối thủ mới là Trung Quốc.
Tên lửa đầu tiên của chương trình thám hiểm không gian Artemis đã được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kenedy tại bang Florida (Mỹ) vào hôm 16/11, mang theo tàu vũ trụ Orion tới Mặt Trăng và quay lại Trái Đất.
Tàu vũ trụ Orion, có thể chở được 4 người, không mang theo phi hành gia trong nhiệm vụ đầu tiên, dự kiến tiến sát đến Mặt Trăng vào ngày thứ 6 trước khi trở về Trái Đất vào ngày thứ 26 sau khi tên lửa Artemis được phóng đi.
Chương trình Artemis
Chương trình thám hiểm Artemis là dự án kế nhiệm chương trình thám hiểm không gian Apollo, với 6 chuyến bay có người lái tới Mặt Trăng được thực hiện trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, thời điểm cuộc đua thám hiểm không gian giữa Mỹ và Liên Xô lên tới đỉnh điểm.
Với chương trình Artemis, nước Mỹ dự định tiến xa hơn trong cuộc đua thám hiểm vũ trụ với đối thủ mới là Trung Quốc. Theo đó, chương trình Artemis đặt mục tiêu xây dựng căn cứ thường trực trên Mặt Trăng trước khi đưa con người thám hiểm Sao Hỏa vào những năm 2040.
Chương trình thám hiểm Artemis bao gồm 3 giai đoạn. Nếu vụ phóng Artemis I diễn ra thành công, một vụ tàu vũ trụ có người lái bay vòng quanh Mặt Trăng sẽ được thực hiện vào năm 2024.
Vụ phóng thứ 3 sẽ được thực hiện vào năm 2025, trong đó các phi hành gia, bao gồm người phụ nữ đầu tiên, sẽ hạ cánh lên Mặt Trăng.
Tham gia cùng với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong chương trình Artemis bao gồm cơ quan vũ trụ của Nhật Bản và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Trong vụ phóng lần này, tàu vũ trụ Orion chở theo 2 vệ tinh nhỏ được phát triển bởi Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản. Một trong số này, Omotenashi, sẽ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản hạ cánh lên Mặt Trăng.
NASA cũng mong muốn tận dụng nguồn lực và kiến thức chuyên môn từ khối tư nhân. Cơ quan này, bằng việc đấu thầu hợp đồng chế tạo module hạ cánh lên Mặt Trăng, đã khuyến khích sự cạnh tranh giữa tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos, với SpaceX giành được hợp đồng vào năm 2021.
Cuộc đua mới giữa 2 cường quốc
Nỗ lực thúc đẩy chương trình thám hiểm không gian của Mỹ diễn ra ở thời điểm Trung Quốc đang có những bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tham vọng trên không gian, với sự trợ giúp của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này.
Vào năm 2021, Trung Quốc đã đạt thỏa thuận cùng xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng với Nga nhằm tận dụng kinh nghiệm thám hiểm không gian phong phú của nước này để cạnh tranh với Mỹ.
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Không gian Trung Quốc vào tháng 8 đã công bố kế hoạch nâng cấp dòng tên lửa Trường Chinh, đang được sử dụng để phóng các tàu vệ tinh thăm dò đến Mặt Trăng, nhằm chuẩn bị cho một vụ phóng có người lái đến nơi này. Tập đoàn này cho biết có kế hoạch đưa các phi hành gia Trung Quốc lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Từ khi trở thành người đứng đầu chính phủ Trung Quốc vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng biến nước này trở thành một cường quốc trên không gian, sánh ngang với Mỹ và Nga.
Trung Quốc lần đầu thành công trong việc đưa phương tiện thăm dò hạ cánh lên Mặt Trăng vào năm 2013, và trở thành quốc gia đầu tiên đưa phương tiện thăm dò đến phần tối của Mặt Trăng vào năm 2019.
Nước này đã thu thập thành công mẫu đất từ Mặt Trăng vào năm 2020. Vào năm 2021, Trung Quốc đã khởi động việc xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của nước này. Quốc gia Đông Á đặt mục tiêu hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung vào cuối năm nay.
Mỹ đánh giá những bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực thám hiểm không gian là rủi ro an ninh đối với mình. Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 8 đã xếp 7 thực thể có liên quan đến chương trình không gian của Trung Quốc vào danh sách hạn chế tiếp cận công nghệ của Mỹ.
"Công nghệ Mỹ được sử dụng trong việc phát triển chương trình thám hiểm không gian không thể được sử dụng trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc", Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách công nghiệp và an ninh Alan Estevez cho biết.
Dù chương trình Apollo là niềm tự hào của người dân Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, theo tỷ giá hiện tại, chương trình này đã tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD, trở thành gánh nặng lớn đối với ngân sách nước này.
Trong khi đó, chương trình thám hiểm không gian Artemis dự kiến tiêu tốn 93 tỷ USD trong khoảng thời gian 2012-2025.
Tên lửa có tên Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion được phát triển bởi 2 tập đoàn lần lượt là Boeing và Lockheed Martin. Các công ty này sử dụng các công nghệ có sẵn từ các chương trình thám hiểm không gian trước đây của Mỹ, như chương trình tàu con thoi, để hạ thấp chi phí phát triển và chế tạo.