Mỹ trừng phạt dầu Nga: Cú đánh cuối cùng

Mỹ vừa mới áp đặt thêm hàng trăm lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng và công nghiệp quốc phòng của Nga. Đây là gói trừng phạt toàn diện và mạnh mẽ nhất nhằm vào dầu mỏ của Nga, có khả năng gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

“Cú đánh” cuối cùng

Ngày 15/1, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với hơn 250 thực thể, bao gồm nhiều ngân hàng và công ty của Nga đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp quốc phòng.

Trước đó, hôm 10/1, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 400 cá nhân và thực thể của ngành năng lượng Nga, trong đó có hai công ty dầu mỏ lớn là Gazprom Neft và Surgutneftegas. 183 tàu chở dầu của Nga bị đưa vào danh sách đen. Gói trừng phạt mới cũng nhắm vào hai nhà cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường tàu chở dầu lớn nhất của Nga, đồng thời yêu cầu các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ phải ngừng hoạt động tại Nga trước ngày 27/2 tới.

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mới là bước đi hiện thực hóa cam kết của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) về việc cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Nga, “mạch máu” mà Điện Kremlin sử dụng để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

“Chúng tôi đã nhắm vào nguồn doanh thu lớn nhất của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt đáng kể đối với ngành năng lượng Nga. Các lệnh trừng phạt này chắc chắn nhắm vào cả dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga. Chúng tôi dự kiến hành động này sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỷ đôla mỗi tháng”.

Bà Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng

Trong một động thái phối hợp với Mỹ, chính quyền Anh cùng ngày cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dầu mỏ Nga. Theo giới quan sát, việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với dầu mỏ Nga ở thời điểm này cho thấy sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Mỹ sắp mãn nhiệm khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.

“Chúng ta đã thấy và thị trường cũng đã quá quen với việc chính quyền của ông Biden luôn ưu tiên việc tránh gián đoạn nguồn cung cấp dầu mỏ hơn là các mục tiêu chính trị khác như gây sức ép lên Nga. Tuy nhiên, quan điểm đó dường như đã thay đổi trong những ngày cuối cùng ông tại nhiệm. Tôi nghĩ đây có lẽ là cơ hội cuối để ông Biden thực hiện một số điều mà ông ấy đã quá thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống”.

Ông Richard Bronze - nhà phân tích năng lượng tại Energy Aspects

Cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm 2022 từng làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung lớn từ một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Giá dầu vọt lên tới 130 USD/thùng vào tháng 3/2022, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát tại Mỹ và đẩy giá xăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Thời điểm đó, nhóm G7 đã đưa ra một “mức giá trần” nhằm mục đích hạn chế doanh thu mà Nga có thể kiếm được từ xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, theo thời gian, hiệu quả của chiến lược này đã giảm dần khi Moscow tăng cường các biện pháp để lách lệnh trừng phạt.

Doanh thu từ dầu của Nga đã phục hồi trong 18 tháng qua, tạo ra nguồn thu quan trọng giúp Moscow tăng mạnh chi tiêu quân sự để giành thế thượng phong trên chiến trường Ukraine. Chính bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, khi nguồn cung dầu toàn cầu trở nên lành mạnh hơn và lạm phát giảm, đã tạo ra cơ hội để Tổng thống Biden tung đòn đánh cuối cùng.

Tác động đến giá dầu thế giới

Theo giới chức Mỹ, đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt đối với ngành năng lượng Nga. Giới quan sát đánh giá việc hai công ty dầu mỏ lớn của Nga là Surgutneftegaz và Gazprom Neft bị đưa vào danh sách trừng phạt nghe có vẻ là một vấn đề lớn, nhưng các lệnh trừng phạt đối với hai công ty này sẽ chỉ có tác động ngắn hạn. Tổng cộng, hai công ty này đóng góp chưa đến một nửa tổng khối lượng dầu xuất khẩu của Nga, do đó, Nga vẫn có thể xuất khẩu dầu thông qua các công ty khác.

Tuy nhiên, việc 183 tàu chở dầu bị đưa vào danh sách đen sẽ làm phức tạp thêm hoạt động xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga, khiến cước phí vận chuyển tăng cao còn lợi nhuận giảm sút. Theo nhà chức trách Mỹ, các lệnh trừng phạt có thể khiến Nga thiệt hại hàng tỷ đôla mỗi tháng nếu được thực thi đầy đủ.

Morgan Stanley trích dẫn dữ liệu từ công ty theo dõi tàu chở dầu Vortexa cho biết, trong năm 2024, mỗi ngày các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt đã vận chuyển khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô và 200.000 thùng sản phẩm dầu. Con số này tương đương hơn 80% lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Dù chưa rõ quy mô thực sự của đội tàu này, nhưng theo ING Group, Nga có thể có khoảng 600 chiếc, cho thấy 25% số tàu đã bị trừng phạt. Các chuyên gia tin rằng lệnh trừng phạt mới sẽ gây tác động lớn đến giá dầu thế giới.

Theo ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ing Group, việc khoảng 25% đội tàu của Nga bị trừng phạt có thể đẩy khoảng 700.000 thùng dầu thô Nga mỗi ngày vào tình trạng rủi ro. Việc mất khối lượng này sẽ xóa sổ lượng thặng dư từng được dự báo cho thị trường dầu toàn cầu năm nay.

Giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong gần 5 tháng qua do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt. Sự không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng thực sự của các lệnh trừng phạt đang tạo ra xu hướng tăng giá trên thị trường dầu mỏ.

“Dầu thô dường như cuối cùng đã phá vỡ xu hướng giảm dài hạn, vốn đã kìm hãm giá kể từ tháng 9/2023, hoặc thậm chí xa hơn là từ tháng 3/2022 khi giá đạt đỉnh sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra”.

Ông David Morrison, chuyên gia phân tích cấp cao tại Trade Nation.

Theo các chuyên gia, nếu khối lượng dầu bị mất do các lệnh trừng phạt mới lên tới 700.000 thùng/ngày, các tổ chức lớn có thể phải điều chỉnh lại dự báo giá dầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong phát biểu mới đây, khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt mới nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế Nga, khiến Moscow khó có thể tài trợ cho hoạt động quân sự của mình, song cũng thừa nhận lệnh trừng phạt mới có thể làm tăng giá xăng, ảnh hưởng đến chính người dân Mỹ.

“Có khả năng giá xăng sẽ tăng thêm khoảng 3-4 cent mỗi gallon, nhưng các biện pháp trừng phạt này sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến khả năng của Nga trong việc tiếp tục hành động quân sự”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Trong khi đó, Nga gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là động thái “bất hợp pháp” và cho biết không loại trừ khả năng sẽ có phản ứng tương xứng.

Tổng thống Vladimir Putin nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Tái định hình dòng chảy dầu thô thế giới

Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, việc nhóm G7 áp đặt giá trần đối với dầu Nga từ năm 2022 đã khiến Nga chuyển phần lớn hoạt động thương mại dầu mỏ từ châu Âu sang châu Á. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng lớn nhất.

Dữ liệu từ công ty phân tích vận tải hàng hóa Kpler cho thấy các tàu chở dầu bị trừng phạt đã vận chuyển khoảng 40% lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Hơn một nửa khối lượng này được chuyển đến Trung Quốc, phần lớn lượng dầu còn lại được đưa đến Ấn Độ.

Trong bối cảnh ấy, gói trừng phạt mới nhất của Mỹ có thể gây xáo trộn nghiêm trọng quan hệ năng lượng giữa Nga và hai đối tác châu Á quan trọng này. Sự gián đoạn nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Nga có thể buộc Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm kiếm nguồn cung mới từ các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có thể tình trạng gián đoạn dòng dầu Nga sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn cho đến khi xuất hiện những biện pháp lách lệnh trừng phạt.

Theo giới quan sát, các lệnh trừng phạt mới sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng dòng dầu Nga sang Ấn Độ và Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Năm ngoái Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga. Nga cũng đang là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ, chiếm khoảng 1/3 lượng dầu mà nước này nhập khẩu.

Các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết các nhà máy lọc dầu của nước này sẽ chấp nhận các lô hàng trên các tàu bị trừng phạt đã đặt đến ngày 10/1, thời điểm Mỹ công bố lệnh trừng phạt, và có thể được giao cho đến ngày 12/3. Thời gian này được phía Mỹ đưa ra để cho phép các hợp đồng hiện tại được thực hiện nốt.

Ấn Độ không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, nhưng cũng không muốn vi phạm vì điều đó có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng hoạt động thương mại dầu mỏ giữa Ấn Độ và Nga sẽ bị ảnh hưởng sau thời điểm 12/3. Tuy nhiên, điều này không có khả năng làm gián đoạn tổng lượng dầu nhập khẩu nhờ nguồn cung có sẵn từ các quốc gia xuất khẩu dầu khác.

Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Reuters, lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 11 năm ngoái đã giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. Đây là kết quả của việc nước này cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu mỏ.

Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Iraq, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất là ba quốc gia cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ. Hiện tại, họ vẫn đứng ở vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư trong danh sách.

Đối với Trung Quốc, các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng được dự báo sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực mua dầu thô Nga trong ngắn hạn. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức hiện tại, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc có khả năng vẫn tiếp tục mua dầu thô Nga sau khi tìm được giải pháp thay thế.

Một thương nhân từng giao dịch dầu thô của Nga tỏ ra lạc quan, cho biết có thể chỉ mất “một thời gian ngắn” trong vòng vài tuần để thị trường tìm được tàu chở dầu thay thế.

Trong trung hạn, Moscow cũng có thể phải định giá dầu thô ở mức dưới “giá trần” 60 đôla/thùng để có thể sử dụng các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất dầu Nga có thể vẫn muốn tiếp tục giao hàng hơn là ngừng sản xuất.

“Tôi cho rằng Nga sẽ đưa ra mức giá cước cao để thu hút các tàu chở dầu không bị trừng phạt, có thể là từ các chủ tàu Hy Lạp hoặc Trung Quốc, hoặc dùng cách “chuyển tàu sang tàu”. Nhưng chúng ta vẫn cần xem thái độ của các cảng Trung Quốc. Có vẻ như họ vẫn đang chờ đợi sự rõ ràng”.

Bà Muyu Xu, chuyên gia phân tích dầu mỏ cấp cao của Kpler

Hiệu quả của gói trừng phạt mới phụ thuộc nhiều vào việc thực thi và giám sát. Tuy nhiên, việc này không đơn giản khi phần lớn hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga đã chuyển hướng sang các đối tác không thuộc phương Tây.

Một số thương nhân cho rằng các tàu chở dầu Nga có thể được đổi cờ hoặc thay đổi giấy tờ để trốn tránh lệnh trừng phạt. Dầu Nga cũng có thể được xuất khẩu thông qua những công ty trung gian sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Miễn là giá cả hấp dẫn và các công ty trung gian có thể sắp xếp việc vận chuyển mà không bị trừng phạt, các nhà máy lọc dầu ở châu Á sẽ không “nói không” với dầu thô Nga.

Kể từ năm 2022 đến nay, Nga đã bị phương Tây áp đặt tới 40.000 lệnh trừng phạt. Theo giới quan sát, sau đòn đánh cuối cùng của chính quyền Joe Biden nhằm vào ngành năng lượng Nga, giờ đây tương lai quan hệ Nga – Mỹ cũng như xung đột Nga – Ukraine sẽ phụ thuộc vào Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Giới chức châu Âu những ngày qua đang không khỏi lo ngại ông Trump, người có mối quan hệ tốt với Tổng thống Nga Putin và từng bày tỏ quan điểm rằng chi phí của Mỹ để hỗ trợ Ukraine là quá cao, có thể sẽ dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga. Tuy nhiên, ông Trump vốn là người khó đoán và không có gì chắc chắn rằng chính sách trừng phạt của Mỹ sẽ nhẹ nhàng hơn dưới thời của ông.

Mặt khác, việc các lệnh trừng phạt mới được ban hành theo sắc lệnh hành pháp, yêu cầu phải có sự ủng hộ của Quốc hội trước khi bất kỳ hành động nào trong số này có thể bị đảo ngược, sẽ đặt ra những rào cản chính trị và pháp lý đáng kể cho ông Trump.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/my-trung-phat-dau-nga-cu-danh-cuoi-cung-296908.htm