Mỹ trừng phạt ngành chip Trung Quốc đợt thứ ba trong 3 năm, hạn chế xuất khẩu đến 140 công ty
Mỹ sẽ tiến hành đợt trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vào hôm 2.12, hạn chế xuất khẩu đến 140 công ty, gồm cả nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group, theo hai nguồn tin của Reuters.
Nỗ lực từ Mỹ nhằm cản trở tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến nhà cung cấp thiết bị tạo chip Piotech và SiCarrier Technology với hạn chế xuất khẩu mới.
Gói biện pháp mới này sẽ ngăn vận chuyển chip nhớ tiên tiến và các công cụ sản xuất chip khác từ Mỹ đến Trung Quốc.
Động thái đó đánh dấu một trong những nỗ lực quy mô lớn cuối cùng từ chính quyền Biden nhằm ngăn chặnTrung Quốc tiếp cận và sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ các ứng dụng quân sự hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Việc này diễn ra chỉ vài tuần trước lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vào tháng 1.2025. Dự kiến ông Trump sẽ duy trì nhiều biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như thời chính quyền Biden.
Theo hãng tin Reuters, gói trừng phạt mới của Mỹ với Trung Quốc gồm hạn chế vận chuyển chip nhớ băng thông cao (HBM) vốn rất quan trọng cho các ứng dụng cao cấp như đào tạo mô hình AI; hạn chế bổ sung với 24 công cụ sản xuất chip và 3 phần mềm; hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip từ Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc.
Các biện pháp kiểm soát công cụ sản xuất chip có thể sẽ gây tổn hại cho ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cũng như hãng nước ngoài như ASM International (Hà Lan).
Trong số các hãng Trung Quốc phải đối mặt với lệnh hạn chế mới từ Mỹ có gần hai tá công ty bán dẫn, hai hãng đầu tư vào ngành chip và hơn 100 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip, theo các nguồn tin của Reuters.
Các nhà làm luật Mỹ cho rằng một số công ty Trung Quốc, gồm cả Swaysure Technology Co, Qingdao SiEn và Shenzhen Pensun Technology Co, hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, Huawei hiện là trung tâm thiết kế và sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.
Với các công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể, nhà cung cấp Mỹ sẽ không thể giao hàng đến họ nếu không nhận được giấy phép đặc biệt trước từ chính phủ.
Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây, vì bị Mỹ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cùng các công cụ sản xuất chúng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều năm so với các công ty dẫn đầu ngành chip như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới của Mỹ) và ASML (nhà cung cấp thiết bị sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ở Hà Lan).
Mỹ cũng dự kiến áp đặt thêm hạn chế với SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc), vốn đã nằm trong danh sách đen thương mại từ năm 2020 nhưng vẫn được cấp phép hàng tỉ USD giá trị hàng hóa được xuất khẩu.
Lần đầu tiên, Mỹ sẽ thêm hai công ty Trung Quốc đầu tư vào ngành chip trong danh sách đen thương mại. Đó là công ty cổ phần tư nhân Wise Road Capital và hãng công nghệ Wingtech Technology Co.
Các công ty xin giấy phép giao hàng đến thực thể trong danh sách đen của Mỹ thường bị từ chối.
Miễn trừ cho Hà Lan và Nhật Bản
Một khía cạnh của gói biện pháp mới liên quan đến quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài có thể ảnh hưởng đến một số đồng minh với Mỹ, do hạn chế những gì các công ty nước này có thể giao đến Trung Quốc.
Quy tắc mới sẽ mở rộng quyền hạn của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị chip từ các công ty Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan được tạo ra tại nơi khác trên thế giới sang một số nhà máy chip nhất định tại Trung Quốc.
Thiết bị chip được sản xuất tại Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc phải tuân theo quy tắc này, trong khi Hà Lan và Nhật Bản sẽ được miễn trừ.
Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài mở rộng sẽ áp dụng cho 16 công ty trong danh sách đen thương mại được coi là quan trọng nhất với tham vọng sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Quy định cũng sẽ giảm xuống mức bằng 0 lượng nội dung của Mỹ để xác định khi nào một số mặt hàng nước ngoài chịu sự kiểm soát từ nước này. Điều đó cho phép Mỹ kiểm soát bất kỳ mặt hàng nào được vận chuyển đến Trung Quốc từ nước ngoài nếu chứa bất kỳ con chip nào của Mỹ.
Các quy tắc mới được ban hành sau các cuộc thảo luận kéo dài giữa Mỹ với Nhật Bản và Hà Lan. Hiện hai nước này cùng Mỹ thống trị việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến.
Một quy định khác trong gói biện pháp này từ Mỹ sẽ hạn chế bộ nhớ được sử dụng trong chip AI tương ứng công nghệ HBM 2 và cao hơn, được sản xuất bởi Samsung và SK Hynix (hai hãng chip nhớ hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc) cùng Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ).
Các quy định mới nhất là gói hạn chế xuất khẩu chip lớn thứ ba với Trung Quốc được thực hiện dưới thời chính quyền Biden. Vào tháng 10.2022, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát sâu rộng nhằm hạn chế việc bán và sản xuất một số loại chip cao cấp. Động thái này được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách công nghệ của Mỹ với Trung Quốc kể từ những năm 1990.
Phạm vi của lệnh cấm đó đã được mở rộng hồi tháng 10.2023 và một lần nữa vào tháng 9.2024 để bao gồm cả các chất bán dẫn bổ sung, như chip chơi game hiệu suất cao và chip trung tâm dữ liệu cấp thấp hơn.
Sức mạnh tính toán và AI, được thúc đẩy bởi các chip tiên tiến, đã trở thành chiến trường cạnh tranh quan trọng giữa hai siêu cường, khi cả hai đều nỗ lực thống trị sản xuất các loại chip có kích thước dưới 10 nanomet.
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi bị tăng cường trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.
Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực tích trữ vi mạch từ Mỹ khi tìm cách phòng ngừa làn sóng trừng phạt tiềm tàng từ chính quyền Biden cũng như Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nhu cầu của Trung Quốc với chất bán dẫn Mỹ đã tăng vọt trong những tháng gần đây, với lượng mua đạt 1,11 tỉ USD vào tháng 10, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan.
Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,61 tỉ USD vi mạch từ Mỹ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 6, lượng chip mua hàng tháng của Trung Quốc từ nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn vượt quá 1 tỉ USD.
“Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu chip và máy móc sản xuất chip để chuẩn bị cho lệnh trừng phạt chip của Mỹ có thể gia tăng”, Liang Yan, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette ở tiểu bang Oregon (Mỹ), cho biết.
Trong số 9 loại vi mạch nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc mua bộ xử lý và bộ điều khiển dựa trên CPU, cũng như chip để lưu trữ và khuếch đại tín hiệu.
Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển các loại chip tiên tiến hơn.
Theo bản tin của trang Bloomberg, Huawei vẫn đang dựa vào kiến trúc 7 nanomet lỗi thời cho hai bộ xử lý Ascend tiếp theo của mình, vì các hạn chế về công nghệ Mỹ ngăn cản gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận các máy quang khắc tiên tiến hơn.
Năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhu cầu Trung Quốc phải phát triển “lực lượng sản xuất mới”, kêu gọi những đột phá về công nghệ trong các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như AI, có thể giúp đất nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cấp chuỗi công nghiệp, bảo vệ mình khỏi áp lực kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Tuy nhiên, chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây của ông Trump đã làm gia tăng sự lo lắng trong số các hãng công nghệ Trung Quốc. Lý do vì ông Trump đã nhắm mục tiêu mạnh mẽ vào các công ty Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
"Ông Trump chắc chắn sẽ áp đặt các hạn chế về công nghệ, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu đó sẽ là cách tiếp cận có chọn lọc và nhắm mục tiêu hơn hay các lệnh trừng phạt rộng rãi hơn", Liang Yan nhấn mạnh.
"Điều chắc chắn về Trump là ông ấy sẽ từ chối cho Trung Quốc tiếp cận các chip và máy sản xuất chip tiên tiến, nhưng chưa rõ về các loại chip phổ thông hơn", bà nói thêm.
Theo Liang Yan, ông Trump đã cam kết thuyết phục các hãng chip như TSMC chuyển sản xuất sang Mỹ. Thế nhưng, nếu sản xuất chip ở Mỹ được mở rộng, ông sẽ phải đối mặt với áp lực đảm bảo nhu cầu về chip vẫn ở mức cao.
Điều đó có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của ông Trump nhằm tăng cường các lệnh trừng phạt với Trung Quốc, vì quốc gia này chiếm khoảng 1/3 nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu, Liang Yan cho hay.
"Nếu không có nhu cầu từ Trung Quốc, sản xuất chip sẽ khó có thể có lãi và bền vững. Trump sẽ phải cân nhắc hai yếu tố này và hiện tại rất khó để dự đoán ông ấy sẽ đi theo hướng nào”, bà nói.
Vào tháng 6, ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với nhân vật truyền thông xã hội Logan Paul (Mỹ) trên podcast Impaulsive: “Chúng ta phải đối đầu Trung Quốc, mối đe dọa chính với ngành công nghiệp AI của Mỹ. Chúng ta phải đi đầu về AI”.