Mỹ-Trung Quốc bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới ở Bắc Kinh
Đoàn đàm phán của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu và hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận kéo dài cả ngày.
Ngày 1/5, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới ở thủ đô Bắc Kinh.
Đoàn đàm phán của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu. Hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận kéo dài cả ngày.
Trước đó, Bộ trưởng Mnuchin cho biết hai bên đã có bữa tối làm việc "tốt đẹp" khi đoàn đàm phán Mỹ tới Bắc Kinh vào tối 30/4.
Sau vòng đám phán này, tuần tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington để tham dự vòng đàm phán tiếp theo, được cho là vòng cuối cùng của quá trình đàm phán.
Sau khi liên tục áp đặt các biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng," gây ra các tổn thất hàng tỷ USD cho cả hai bên, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và tác động tiêu cực tới thị trường tài chính, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Cả Bắc Kinh và Washington đều cho biết đã đạt tiến triển trong đàm phán về các vấn đề như sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Tuy nhiên, Washington khẳng định các vấn đề chính mà hai bên cần thống nhất là một cơ chế thực thi thỏa thuận và lộ trình dỡ bỏ các biện pháp thuế quan mà hai bên đã áp đặt nhằm vào nhau.
Trong khi đó, giới chức Bắc Kinh khẳng định dù họ đánh giá cơ chế thực thi thỏa thuận là quan trọng, nhưng phải đảm bảo cơ chế này có tác động hai chiều, không thể chỉ nhằm hạn chế Trung Quốc.
Các nguồn tin nắm rõ vấn đề tại Washington cho rằng vấn đề Mỹ có dỡ bỏ hay không và khi nào dỡ bỏ các loại thuế đã áp đặt với lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD sẽ là một trong số những vấn đề cuối cùng cần được bàn thảo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố có thể sẽ tiếp tục áp đặt một số loại thuế với các mặt hàng Trung Quốc trong khoảng thời gian "đáng kể."
Theo giới phân tích, sự nhượng bộ lẫn nhau trong các vòng đàm phán trước được xem là những yếu tố tích cực đẩy các bên xích lại gần nhau trong lần gặp nhau này.
Với Trung Quốc, việc thông qua luật mới về đầu tư nước ngoài, theo đó cam kết tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư là những minh chứng cho thấy mức độ nghiêm túc của nước này nhằm giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất liên quan quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, Bắc Kinh còn cam kết giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống còn 0 trong vòng sáu năm cũng như sẽ duy trì tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở mức chấp nhận được. Mỹ cũng giảm nhẹ các yêu cầu với Trung Quốc trong đàm phán, theo đó Washington không áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến việc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp.
Những tín hiệu tích cực phát đi từ cả hai phía trong vài tuần qua cho thấy nỗ lực nhằm giải quyết cuộc chiến “hao tiền tốn của” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang được đền đáp.
Sự nhượng bộ từ cả Washington và Bắc Kinh đã phần nào cởi nút thắt cho những bất đồng tưởng chừng không thể thu hẹp, thậm chí khai thông từng phần những vấn đề nhạy cảm, mà trước đó không bên nào muốn động tới.
Ngay trước vòng đàm phán thứ 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/4 cho biết ông sẽ sớm tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng nhằm thiết lập nền tảng cho một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin tuyên bố các cuộc đàm phán đang tiến tới thời điểm bước ngoặt, hoặc “mang lại một thỏa thuận hoặc chấm dứt mà không có thỏa thuận nào."
Điều này cho thấy Mỹ tỏ ra quyết tâm sớm kết thúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh ông Trump đang chuẩn bị tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Một kết quả tốt cho Mỹ trong vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho Tổng thống Trump./.