Mỹ-Trung Quốc: Đối thoại để xích lại gần nhau hay chỉ là 'có còn hơn không'?
Lại thêm một cuộc đàm phán giữa hai người khổng lồ Mỹ và Trung Quốc, nhưng một lần nữa các bên chỉ nêu lên lập trường của mình, nhưng họ không hề xích lại gần nhau thêm.
Trước cuộc Đối thoại Mỹ-Trung Quốc tại Alaska, giới truyền thông toàn cầu và các chuyên gia đã tự hỏi liệu nó có hiệu quả hơn so với cuộc đàm phán hồi năm ngoái ở Hawaii giữa ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không?
Tinh thần “cứng rắn và thẳng thắn”?
Nhìn chung, cuộc Đối thoại không mang lại kết quả đặc biệt nào. Thậm chí, sự khởi đầu đàm phán rất gian nan, nếu không nói là tai tiếng. Ở phần phát biểu chào mừng công khai mang tính xã giao nhất ở đầu buổi gặp cũng đã biến thành một cuộc tranh luận nóng bỏng kéo dài cả giờ đồng hồ. Các bên không chỉ bày tỏ lập trường của riêng mình mà còn đưa ra cáo buộc nhằm vào bên kia.
Bầu không khí đàm phán căng thẳng đến mức các quan sát viên thậm chí còn nghi ngờ, “liệu các cuộc đàm phán ở vòng hiện tại có đi đến hồi kết hay không?”. Phía Trung Quốc đáp trả mọi cáo buộc của Mỹ bằng thái độ cực kỳ gay gắt, hơn thế nữa, họ còn bày tỏ thẳng thắn những lo ngại và bất mãn của chính mình đối với những vấn đề cấp bách nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.
Lại một lần nữa các bên chỉ nêu lên lập trường của mình, nhưng họ không hề xích lại gần nhau thêm. Sau khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền, các nhà quan sát đặt hy vọng vào sự cải thiện trong quan hệ song phương. Bởi dù sao, khác với cựu Tổng thống Trump, chính sách của tân Tổng thống Biden cũng được chờ đợi là sẽ mang tính truyền thống, cân bằng hơn, không phụ thuộc vào tâm trạng nhất thời.
Có lẽ, ban đầu Washington định thể hiện lập trường đối đầu nhất định, mặc dù cũng có thể Mỹ chưa sẵn sàng đón nhận sự phản kháng mạnh mẽ như vậy từ phía Trung Quốc. Sau cuộc gặp, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ là Jake Sullivan tuyên bố rằng, quá trình đàm phán diễn ra trên tinh thần “cứng rắn và thẳng thắn”, còn ông Dương Khiết Trì dù nói rằng, cuộc đàm phán mang tính “xây dựng và thẳng thắn”, song ông quên lưu ý rằng, vẫn còn mâu thuẫn về một số vấn đề cơ bản.
Phía Trung Quốc cho biết các bên nhất trí thành lập nhóm công tác chung về khí hậu, cũng như đàm phán về vấn đề hoạt động của các nhà ngoại giao và nhà báo hai nước trên lãnh thổ của nhau. Phía Mỹ thì chỉ đề cập nhóm làm việc chung về khí hậu. Sau đó, Cố vấn An ninh Sullivan nói rằng, ngay cả chỉ có nhóm công tác về khí hậu cũng đã là một bước quan trọng hướng tới sự trở lại của các cơ chế hợp tác song phương.
Như Giáo sư Zhang Xin của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sư phạm Hoa Đông, chia sẻ, “Trong cuộc hội đàm theo định dạng 2+2 ở Alaska, lần đầu tiên ở cấp độ này, hai bên đã nêu ra lập trường của mình, giải thích các ưu tiên chính sách của họ và vạch ra các lằn ranh đỏ. Xét từ góc độ này, cuộc đàm phán đã đạt được những kết quả nhất định. Hơn nữa, đây là cuộc đàm phán mặt đối mặt chính thức đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của hai nước kể từ khi chính quyền mới của Mỹ lên cầm quyền và điều này rất hữu ích để hai bên hiểu rõ hơn về nhau.
Đồng thời, việc nối lại đối thoại cấp cao giữa Bắc Kinh và Washington ở giai đoạn này và việc khôi phục các cơ chế tương ứng từng bị chấm dứt dưới thời cựu Tổng thống Trump có thể giúp đảo ngược xu hướng tiêu cực.”
Tuy nhiên, Giáo sư Zhang Xin cũng không cho rằng, những cuộc đàm phán kiểu như thế sẽ có thể ảnh hưởng quyết định đến hướng phát triển của quan hệ song phương.
Tiếp tục con đường cũ
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lưu ý trong các cuộc đàm phán với phía Mỹ, việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức Trung Quốc hoàn toàn không phải là một bước đi thân thiện. Ông Vương Nghị ám chỉ một cách rõ ràng rằng, Trung Quốc đã mong đợi sự chào đón thân thiện hơn trên đất Mỹ.
Ngoài ra, mặc dù hàng năm Trung Quốc luôn công bố báo cáo về nhân quyền ở Mỹ, nhưng lần này Bắc Kinh không làm như vậy trước cuộc họp ở Anchorage. Trong khi đó, chính sách của Mỹ vẫn rất cứng rắn, nếu không muốn nói là thô lỗ và không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với cả Nga.
Tổng thống Biden cho phép mình đưa ra những tuyên bố mà ngay cả chính quyền cựu Tổng thống Trump cũng có phần kiềm chế. Theo quan điểm của chuyên gia Zhang Xin, chính quyền hiện tại của Mỹ chỉ đang tiếp tục đường hướng chính sách trước đó, đã được vạch ra thời chính quyền tiền nhiệm, đối với cả Nga và Trung Quốc. Sự thay đổi của đảng lãnh đạo, cũng như sự thay đổi nhà lãnh đạo, với tất cả các đặc điểm cá nhân của người đó, vẫn sẽ không thể thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc hay Nga".
Gần như ngay sau cuộc hội đàm, Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tiếp xúc với các đối tác của mình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Brussels để dự một cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì bay tới Trung Quốc.
Rõ ràng, cả chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới EU và của Ngoại trưởng Nga Lavrov tới Trung Quốc đều đã được lên kế hoạch từ trước và như Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, tất nhiên, không phải được lên kế hoạch dựa vào cuộc đàm phán Trung-Mỹ.
Mặt khác, rõ ràng là kết quả của cuộc gặp ở Anchorage sẽ được hai bên thảo luận bằng cách nào đó với các đối tác của mình. Trong trường hợp của Trung Quốc và Nga, điều này còn logic hơn trong bối cảnh Washington đang gây sức ép tương tự đối với cả hai nước.
Nga -Trung Quốc xích lại gần hơn
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Trung Quốc, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, Nga và Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp chung giúp hai nước giảm thiểu rủi ro liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặt khác, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển dưới tác động của nhiều yếu tố.
Sự phối hợp giữa hai bên thực sự đang được tăng cường, nhưng không chỉ chống lại Mỹ. Chuyên gia Zhang Xin nhấn mạnh: “Chắc chắn, có xu hướng củng cố sự phối hợp chung giữa Nga và Trung Quốc, nhưng không nhất thiết nhằm chống lại Mỹ. Trong khi chính sách của Mỹ vẫn là khía cạnh quan trọng nhất xác định quan hệ ba bên, Trung Quốc và Nga sẽ không gắn sự phối hợp chính sách của riêng họ với chính sách của Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc và Nga có thể phối hợp chính sách của họ trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như cuộc chiến chống đại dịch, bao gồm nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine giữa hai bên. Tôi nghĩ đây sẽ là chủ đề chính của cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov. Và điều này không liên quan trực tiếp đến chính trị Mỹ”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã hứa sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc và Nga về các vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến lợi ích và các giá trị chung của Mỹ, còn về những khía cạnh có thể hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, Washington sẽ cố gắng tìm ra tiếng nói chung với Moscow và Bắc Kinh. Trên thực tế, đã có một số thay đổi, khác với ông Trump, ông Biden đã gia hạn hiệp ước vũ khí tấn công và chiến lược START-3 với Nga. Đối thoại về khí hậu đã được nối lại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khẩu chiến căng thẳng và sự can thiệp vào các vấn đề đại diện cho “lợi ích cơ bản” của các quốc gia khác luôn có thể làm suy yếu mọi nỗ lực thiết lập đối thoại, thậm chí kéo mối quan hệ vào vòng xoáy mới theo hướng đi xuống.
(theo Sputnik)