Mỹ, Trung Quốc 'phá băng', tiến hành đàm phán thương mại
Các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ và Trung Quốc ngày 10/5 đã bắt đầu đàm phán cấp cao tại Geneva, Thụy Sĩ, nhằm giải quyết những bất đồng về thương mại và thuế quan.
Dẫn đầu phái đoàn đàm phán Trung Quốc là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hà Lập Phong; trong khi đoàn đàm phán Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu.
Cuộc đàm phán lần này dự kiến kéo dài đến ngày 11/5 và là lần gặp đầu tiên kể từ khi ông Trump nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế lên tới 125% đối với hàng Mỹ.
Đòn ăn miếng trả miếng này đã gần như làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy mức độ quan trọng của cuộc đàm phán là rất cao, nhưng kỳ vọng về một đột phá dẫn đến việc giảm đáng kể thuế quan lại rất thấp.
Dẫu vậy, việc Washington và Bắc Kinh chịu đối thoại đã thắp lên hy vọng rằng, căng thẳng song phương có thể được hạ nhiệt và thuế quan có thể được điều chỉnh xuống. Ngay trước khi cuộc đàm phán diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát tín hiệu rằng, ông sẵn sàng hạ thuế, gợi ý mức 80% là “phù hợp”.
Trước đó, hôm 8/5, ông bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại vào cuối tuần này sẽ diễn ra thực chất và cho biết thuế quan không thể tăng cao hơn 145%.
Nhiều người dân Trung Quốc cũng bày tỏ hi vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán đầu tiên tại Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, mức thuế 80% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, dù đã thấp hơn đáng kể so với mức hiện tại, nhưng vẫn có thể khiến thương mại song phương gần như đóng băng.
Và mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế - tài chính to lớn trong việc giảm leo thang xung đột thương mại, nhưng một cuộc đình chiến lâu dài vẫn rất xa vời. Một số chuyên gia cho rằng, tại cuộc đàm phán lần này hai nước có thể thực hiện một số bước đi cụ thể nhằm “phá băng” và tạo nền tảng cho đàm phán tiếp theo.