Mỹ-Trung thảo luận về Triều Tiên; phát hiện động thái mới của Bình Nhưỡng

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield và đại diện đặc biệt của Trung Quốc về vấn đề Bán đảo Triều Tiên Lưu Hiểu Minh đã có cuộc thảo luận về các vụ phóng thử tên lửa gần đây do Bình Nhưỡng thực hiện.

Hình ảnh vụ phóng ICBM của Triều Tiên hôm 24/3. (Nguồn: KCNA)

Hình ảnh vụ phóng ICBM của Triều Tiên hôm 24/3. (Nguồn: KCNA)

Ngày 30/3, người phát ngôn của phái bộ Mỹ tại LHQ Olivia Dalton nêu rõ: "Đại sứ Thomas-Greenfield đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một phản ứng thống nhất từ Hội đồng Bảo an LHQ đối với các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Mỹ đồng thời cho rằng cần thiết phải cảnh báo Bình Nhưỡng về hậu quả của việc "vi phạm nhiều nghị quyết" của HĐBA LHQ.

Hai đại diện của Mỹ và Trung Quốc cũng đã thảo luận thêm về các cơ hội khuyến khích Triều Tiên phi hạt nhân hóa và tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa.

Trong cuộc gặp, bà Thomas-Greenfield bày tỏ quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong việc giải quyết mối quan ngại chung trên Bán đảo Triều Tiên.

Cũng liên quan tình hình Triều Tiên, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, hình ảnh vệ tinh mới về Nhà máy đóng tàu Nam Sinpo (Triều Tiên) cho thấy, quốc gia Đông Bắc Á có thể tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) trong tương lai.

Thông tin đăng tải trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho biết: "Hình ảnh vệ tinh thu thập được vào ngày 22/3/2022 ghi nhận chuyển động bất thường của tàu ngầm tên lửa đạn đạo thử nghiệm có tên gọi 8.24 Yongung”.

Cơ quan giám sát của Mỹ cho biết đã phát hiện tàu ngầm này di chuyển ra ngoài từ bên dưới một tán cây. Theo CSIS, hiện chưa rõ mục đích chính xác của việc di chuyển tàu ngầm song có thể liên quan hoạt động sửa chữa đang diễn ra để chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm sắp tới.

Cũng theo CSIS, tàu ngầm 8.24 Yongung đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cơ bản của SLBM, công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo và quy trình hoạt động. Đây cũng là một phương tiện không thể thiếu trong công tác đào tạo thực hành các loại tàu ngầm mới.

Triều Tiên đã duy trì lệnh “tự” cấm thử hạt nhân và tên lửa tầm xa kể từ tháng 11/2017, song đến tháng 1/2022, Bình Nhưỡng thông báo có thể tái khởi động tất cả “các hoạt động tạm thời bị đình chỉ”.

Ngày 24/3, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tên Hwasong-17, đánh dấu lần phóng ICBM đầu tiên trong hơn 4 năm.

Các báo cáo trước đó cũng cho biết, Triều Tiên có thể đang sửa chữa các đường hầm dưới lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye mà Bình Nhưỡng cho biết đã tháo dỡ vào năm 2018, một dấu hiệu khác cho thấy nước này có thể sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân trong tương lai.

(theo Sputnik, Yonhap)

Việt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trung-thao-luan-ve-trieu-tien-phat-hien-dong-thai-moi-cua-binh-nhuong-178744.html