Mỹ từ chối tham gia thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với 80 quốc gia

Khoảng 80 quốc gia vừa đạt thống nhất về dự thảo quy tắc quản lý thương mại kỹ thuật số toàn cầu như công nhận chữ ký điện tử và chống gian lận trực tuyến, song chưa có sự tham gia của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sau 5 năm đàm phán, các điều phối viên Úc, Nhật Bản và Singapore đã công bố nội dung dự thảo bản thỏa thuận được Liên minh châu Âu ca ngợi là “sự kiện lịch sử” còn Vương quốc Anh đánh giá là “mang tính đột phá”.

“Đây là những quy tắc toàn cầu đầu tiên về thương mại kỹ thuật số", người đứng đầu thương mại EU Valdis Dombrovskis đăng trên trang mạng xã hội X.

Mỹ cho rằng thỏa thuận về thương mại kỹ thuật số toàn cầu cần có những trường hợp ngoại lệ. Ảnh: ET

Mỹ cho rằng thỏa thuận về thương mại kỹ thuật số toàn cầu cần có những trường hợp ngoại lệ. Ảnh: ET

Vương quốc Anh cho biết thỏa thuận yêu cầu các bên tham gia cam kết số hóa tài liệu và quy trình hải quan, công nhận các tài liệu điện tử và chữ ký điện tử, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ pháp lý ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, cũng như các thông tin gây hiểu lầm về sản phẩm, dịch vụ.

Hạn chế thư rác và bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là các nội dung được đưa ra, trong đó chú trọng cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia kém phát triển hơn.

91 trong số 166 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tham gia vào các cuộc đàm phán, bao gồm Trung Quốc, Canada, Argentina, Nigeria và Ả Rập Saudi.

Thỏa thuận mới không có sự nhất trí của Mỹ - quốc gia cho rằng nội dung của các quy tắc cho thấy bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, chẳng hạn như diễn giải những trường hợp ngoại lệ liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi.

"Chúng tôi mong muốn được làm việc với các thành viên quan tâm để tìm ra giải pháp cho tất cả các vấn đề còn lại và đưa cuộc đàm phán đi đến hồi kết kịp thời", đại sứ Mỹ tại WTO, Maria Pagan cho biết.

Theo nguồn tin giấu tên tại Geneva, một số quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những nghi ngại và chưa ký vào dự thảo.

Giới quan sát nhận định, việc biến dự thảo trên trở thành thỏa thuận WTO chính thức còn khó khăn hơn nữa, khi cần đạt được đồng thuận của tất cả quốc gia thành viên, trong bối cảnh Ấn Độ và Nam Phi công khai chỉ trích thỏa thuận có các nội dung không liên quan đến “tất cả”.

(Theo Yahoo News)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/my-tu-choi-tham-gia-thoa-thuan-thuong-mai-ky-thuat-so-voi-80-quoc-gia-khac-2306533.html