Mỹ Tú quản lý hiệu quả công tác chứng thực

Giải quyết yêu cầu chứng thực nhanh, gọn, không gây phiền hà cho người dân và đảm bảo các nguyên tắc pháp lý. Đó là mục tiêu mà UBND huyện Mỹ Tú đã và đang quyết tâm xây dựng, thực hiện trong thời gian qua.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú, sau khi tiếp thu Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16-2-2015 của Chính phủ, về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, UBND huyện đã kịp thời ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt, trong đó, chú trọng triển khai đến cán bộ chủ chốt tại các phòng, ban ngành cấp huyện, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, báo cáo viên pháp luật; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn. Theo đó, các đơn vị, địa phương đã khẩn trương triển khai, tuyên truyền kịp thời đến tận cán bộ, người dân trên địa bàn huyện.

Từ huyện đến các xã trên địa bàn Mỹ Tú đã thực hiện tốt công tác chứng thực theo cơ chế “một cửa”. Ảnh: C.H

Từ huyện đến các xã trên địa bàn Mỹ Tú đã thực hiện tốt công tác chứng thực theo cơ chế “một cửa”. Ảnh: C.H

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện tích cực tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tốt công tác chứng thực; chỉ đạo các đơn vị có liên quan cùng phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ về thủ tục, hồ sơ cũng như thẩm quyền giải quyết liên quan đến công tác chứng thực tại địa phương. Đặc biệt, chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Hiện UBND huyện đã quan tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức thực hiện chứng thực (gồm 10 công chức, tại Phòng Tư pháp huyện 1 công chức, UBND các xã, thị trấn 9 công chức) có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ này. Đồng thời, UBND huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cải tiến phương pháp và giải quyết các thủ tục chứng thực theo đúng quy định. Từ huyện đến các xã, thực hiện công tác chứng thực theo cơ chế “một cửa”, mọi thủ tục được rút ngắn thời gian và giải quyết kịp thời, nhanh gọn các yêu cầu chứng thực; niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức đến giao dịch, theo dõi, thực hiện.

Không những vậy, các cơ quan, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại cơ sở; thông qua hệ thống loa truyền thanh; nghiên cứu tại tủ sách pháp luật về lĩnh vực chứng thực của địa phương; các cuộc hội nghị tập huấn; trợ giúp pháp lý… Từ đó, đã nâng cao ý thức áp dụng và tuân thủ các quy định pháp luật về chứng thực của cá nhân và tổ chức. Phòng Tư pháp huyện tham mưu tăng cường kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ chứng thực như: chứng thực các văn bản có căn cứ pháp lý, sử dụng sổ lưu theo mẫu quy định, kỹ năng ghi chép vào sổ bảo đảm chính xác, công tác bảo quản, lưu giữ hồ sơ tài liệu đầy đủ, tạo thuận lợi cho công dân đến liên hệ giải quyết công việc. Nhờ vậy, nhiều năm qua trên địa bàn huyện Mỹ Tú không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến công tác chứng thực.

Hiện nay, hầu hết các hồ sơ chứng thực tiếp nhận trên địa bàn huyện Mỹ Tú đều được xử lý và trả kết quả ngay trong ngày. Bà Thu Hoa, ngụ xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) chia sẻ: “Tôi năm nay đã trên 60 tuổi, rất ngán cảnh chờ đợi và ngại làm các thủ tục hành chính. Nhưng do cần chứng thực gấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các con đều không có nhà. Tôi nghĩ sẽ chờ đợi lâu lắm nên tranh thủ đi sớm. Ai dè chỉ khoảng 15 phút là đã xong và cán bộ rất nhiệt tình, vui vẻ”.

Tình hình giải quyết các yêu cầu về chứng thực trên địa bàn huyện cơ bản đi vào nề nếp, Phòng Tư pháp và UBND các xã, thị trấn đã tích cực thực hiện công tác chứng thực đúng chức năng, thẩm quyền, giải quyết các yêu cầu chứng thực nhanh, gọn, không gây phiền hà, ách tắc, đảm bảo các nguyên tắc pháp lý được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cụ thể, trong 6 năm (2015 - 2021), trên địa bàn huyện đã tiếp nhận và giải quyết hơn 241.000 trường hợp chứng thực thuộc thẩm quyền gồm: chứng thực bản sao từ bản chính (giải quyết trên 193.000 trường hợp; chứng thực chữ ký (gần 25.000 trường hợp); chứng thực hợp đồng, giao dịch (trên 22.700 trường hợp). Việc ghi chép, sử dụng, lưu trữ, bảo quản sổ chứng thực được thực hiện đầy đủ, đánh số thứ tự đúng với hồ sơ chứng thực, hàng năm thực hiện khóa sổ theo quy định, dùng mẫu sổ chứng thực từng loại việc theo mẫu hiện hành, hồ sơ lưu trữ sắp xếp khoa học.

Tuy nhiên, thực tế thì hoạt động chứng thực vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Chính vì thế, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Tú đã kiến nghị về trên xem xét quy định rõ các giấy tờ nào không được chứng thực bản sao để có căn cứ thực hiện đúng quy định và cần bổ sung quy định chế độ lưu trữ chứng thực bản sao từ bản chính. Đồng thời, cần thống nhất thủ tục hành chính các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản giữa Thông tư số 15/2014/TT-BCA và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP để thuận tiện cho người dân khi có yêu cầu giao dịch. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị với ngành ngân hàng chỉ đạo cán bộ tín dụng thực hiện tốt quy định của pháp luật về chứng thực. Trước hết, cần khắc phục tình trạng cho người dân ký tên trong hợp đồng, giao dịch trước khi chứng thực, hoặc cho sử dụng một số giấy tờ đã hết hiệu lực hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng, giao dịch với tổ chức tín dụng đã chết nhưng chưa thực hiện phân chia tài sản, để yêu cầu chứng thực đáo hạn hợp đồng vay vốn, nhằm tránh gây khó khăn cho địa phương và người dân.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/my-tu-quan-ly-hieu-qua-cong-tac-chung-thuc-50006.html