Mỹ tự tin M1A1 có thể đánh bại xe tăng của Nga
Với thành tích từng đánh bại những chiếc T-72 của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ vẫn tự tin vào sức mạnh của M1A1 trước những chiếc xe tăng Nga.
Washington đang đẩy nhanh việc cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, mặc dù đó chỉ là các mẫu M1A1 cũ thay vì những chiếc M1A2 phiên bản đời sau. Tuy nhiên, những chiếc xe tăng này vẫn sẽ giúp Kiev có được hỏa lực cần thiết và kịp thời. Bên cạnh đó, những chiếc M1A1 cũng từng đánh bại các xe tăng thời Liên Xô, như những chiếc mà quân đội Nga đang tiếp tục đưa vào chiến đấu ở Ukraine hiện nay.
Vũ khí đáng gờm
Theo một số báo cáo từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, xe tăng M1A1 của Mỹ là một vũ khí đáng gờm và “vô giá” trên chiến trường. Các kíp lái xe tăng ca ngợi độ tin cậy của M1A1, nó thể hiện sức mạnh vượt trội trước các xe tăng Liên Xô của Iraq chẳng hạn như T-72, hiện cũng đang Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine.
Jeffrey Edmonds, cựu sĩ quan thiết giáp của quân đội Mỹ và chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nói với Insider: “Trong cuộc đối đầu giữa hai bên, tôi không muốn ngồi trong những chiếc T-72”.
Những báo cáo trước đây từ các kíp lái xe tăng M1A1 cho biết pháo 120mm, tháp pháo và máy tính khai hỏa rất tinh vi, nhưng phần lớn sức mạnh chiến đấu của xe tăng là nhờ đạn sabot động năng có độ chính xác cao được trang bị đầu đạn uranium nghèo.
Edmonds cho biết thêm: “Thật khó để nói điều gì đóng góp nhiều hơn vào khả năng sát thương của xe tăng, nhưng theo hiểu biết của tôi, phần lớn sức mạnh sát thương đến từ chính viên đạn”.
Các báo cáo về hiệu suất cũng đưa ra những lập luận tương tự, lưu ý rằng việc bổ sung uranium nghèo đã tăng khả năng xuyên thủng giáp xe tăng hạng nặng của một viên đạn.
Mỹ vẫn chưa nói bất cứ điều gì cụ thể về việc cung cấp các loại đạn này, nhưng Vương quốc Anh, quốc gia cũng đang gửi xe tăng đến Ukraine, cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo.
Edmonds cho biết M1A1 cũng có thể bắn những phát đạn này ở khoảng cách rất xa, đánh trúng các mục tiêu nằm ngoài phạm vi dự kiến.
M1A1 có thể sống sót sau các đòn đánh và cơ động nhanh chóng
Trong Chiến tranh vùng Vịnh, xe tăng M1A1 đã rất thành công trong việc di chuyển quanh chiến trường. Trong quá trình xe tăng tìm kiếm và tấn công các mục tiêu, thì việc cơ động linh hoạt để tránh hành động của kẻ thù là rất quan trọng.
Theo các chuyên gia, M1A1 được thiết kế để tấn công rất nhanh nhiều mục tiêu ở tầm xa, đồng thời chiếc xe tăng này tỏ ra nhanh nhẹn trên nhiều loại địa hình, với tốc độ di chuyển cao.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ của xe tăng M1A1 cũng được đánh giá rất tốt chủ yếu đến từ lớp giáp và cấu tạo của xe, giúp nâng cao khả năng sống sót của xe và kíp lái. Các bản báo cáo trong Chiến tranh vùng Vịnh cũng nói lên điều này, có nhiều trường hợp được ghi nhận cho thấy, các phát bắn của xe tăng đối phương bị dội ra khi trúng giáp của M1A1 và chiếc xe vẫn an toàn.
Xe tăng M1A1 có lớp giáp chắc chắn và không có những điểm yếu nghiêm trọng như một số mẫu xe tăng Liên Xô, chẳng hạn như T-72, chiếc xe tăng này có thiết kế kho chứa đạn ngay bên trong tháp pháo của xe, nếu bị trúng đạn vào tháp pháo nó sẽ gây ra một vụ nổ lớn khiến tháp pháo nổ tung và toàn bộ kíp xe sẽ thương vong.
Thay vào đó, đạn của xe tăng M1A1 được bố trí phía sau tháp pháo, ngăn cách với tổ lái bằng cửa nổ. Nếu kho chứa đạn bị bắn hoặc phá hủy, vụ nổ của khoang chứa đạn có thể sẽ bay lên và bay ra ngoài, giúp kíp lái xe an toàn.
Khả năng sống sót của M1A1 cũng đã được chứng minh là rất hiệu quả trong Chiến tranh vùng Vịnh, trong suốt cuộc xung đột chỉ có 9 chiếc xe bị phá hủy. Tuy nhiên, những chiếc xe này lại không bị phá hủy bởi kẻ thù. Hai chiếc bị cố tình phá hủy để ngăn chặn rơi vào tay kẻ thù và bảy chiếc còn lại bị hư hại do hỏa lực bắn nhầm từ đồng minh.
Vẫn có những thách thức
Ukraine có thể sử dụng M1A1 một cách hiệu quả, nhưng vẫn có những thách thức
M1A1 là một chiếc xe tăng hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là nó hoàn hảo. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, các kíp lái xe tăng đã phàn nàn về việc cát lọt vào hệ thống lọc không khí, cũng như việc xe tăng cần tiếp nhiên liệu liên tục, yếu điểm này đã được cải thiện ở các phiên bản cập nhật như M1A2.
Các báo cáo cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động hậu cần để sửa chữa và thay thế các bộ phận của xe tăng, điều này cũng có thể là một trở ngại đối với Ukraine do nước này không có những năng lực quan trọng đó.
Các chuyên gia quân sự đã đưa ra nhận định, quân đội Ukraine có thể sử dụng M1A1 hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất là cách họ sử dụng xe tăng này cho chiến tranh vũ trang tổng hợp và thứ hai là liệu Nga có tiếp tục mắc những sai lầm chiến thuật tương tự trên chiến trường hay không.
Jeffrey Edmonds nhấn mạnh: "Vấn đề không chỉ là xe tăng, mà là liệu người Ukraine có thực sự điều khiển được những chiếc xe tăng này phối hợp với pháo binh hay không".
Những người điều khiển xe tăng Ukraine sẽ cần học cách tận dụng các khả năng và phạm vi hoạt động của M1A1 trong môi trường có nhiều cây cối, chiến hào và bùn lầy.
Những người lính Ukraine sẽ cần phải tận dụng tối đa khả năng của xe tăng M1A1 để xác định mục tiêu và tiêu diệt kẻ thù một cách nhanh chóng trước khi kẻ thù kịp phát hiện ra và ra đòn.
Các chuyên gia phương Tây cũng chỉ ra sai lầm trong chiến thuật sử dụng xe tăng của Nga mà quân đội Ukraine có thể khai thác, đó là các xe tăng Nga thường dừng lại và xác định vị trí mục tiêu khi bị trúng đạn hoặc đơn giản là chạy trốn khỏi khu vực giao chiến.
Nếu Nga không tìm cách thay đổi chiến thuật, những chiếc xe tăng thời Liên Xô của họ sẽ dễ bị tổn thương trước tốc độ và hỏa lực của M1A1, điều này sẽ giúp quân đội Ukraine chặn đúng được các nỗ lực tấn công của Nga và đảm bảo an toàn cho tiền tuyến.
Tuy nhiên đó chỉ là những dự đoán trong tương lai. Mặc dù Mỹ đang tăng tốc thời gian để có thể đưa những chiếc M1A1 tới Ukraine, nhưng những chiếc xe tăng này có thể sẽ mất ít nhất 8 đến 10 tháng nữa trước khi nó có thể sẵn sàng lăn bánh trên chiến trường.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-tu-tin-m1a1-co-the-danh-bai-xe-tang-cua-nga-ar760806.html