Mỹ: Tỷ lệ người chết trẻ tăng cao
Trong nhiều thập kỷ, những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn đã làm giảm tỷ lệ tử vong ở thanh, thiếu niên Mỹ. Nhưng, đang có sự đảo ngược đáng báo động, khi tỷ lệ này hiện tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.
Số liệu đau lòng
Tỷ lệ tử vong trong giới trẻ Mỹ đã tăng tốc trong giai đoạn 2019-2020. Dù bản thân COVID-19 không phải nguyên nhân chính, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết sự gián đoạn xã hội do đại dịch gây ra đã làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả tình trạng lo lắng và trầm cảm. Khả năng tiếp cận nhiều hơn với súng, việc lái xe bất cẩn và lạm dụng chất gây nghiện là những nguyên nhân lớn góp phần đẩy tỷ lệ này lên cao.
Từ năm 2019 đến năm 2020, tỷ lệ tử vong chung ở độ tuổi từ 10 đến 19 tại Mỹ đã tăng 10,7% và tăng thêm 8,3% vào năm sau, theo một nghiên cứu do Trung tâm xã hội và sức khỏe, Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia (Mỹ) mới công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ. Steven Woolf, Giám đốc danh dự của trung tâm này cho biết, đây là mức tăng cao nhất trong 15 năm.
Theo số liệu tử vong toàn cầu do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington (Mỹ) công bố thì một số nước phát triển khác, gồm Anh, Đức, Canada và Na Uy cũng chứng kiến sự gia tăng số ca tử vong ở những người trẻ tuổi trong cùng quãng thời gian từ 2019 đến 2020. Nhưng, trong số các nước được IHME so sánh thì Mỹ là nơi duy nhất mà súng trở thành nguyên nhân gây tử vong số 1 ở thanh, thiếu niên.
Các vụ tự tử ở thanh, thiếu niên Mỹ độ tuổi từ 10-19 bắt đầu gia tăng vào năm 2007, trong khi tỷ lệ giết người ở nhóm tuổi đó bắt đầu tăng vào năm 2013, nghiên cứu của tiến sĩ Woolf cùng các đồng sự Elizabeth Wolf (Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia) và Frederick Rivara (Đại học Washington) cho biết.
Điều tương tự cũng được PRB, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích về xu hướng dân số và sức khỏe tại Mỹ, chỉ ra. Bạo lực súng đạn đã giết chết 7.580 trẻ em và thanh niên Mỹ dưới 25 tuổi vào năm 2019, 39% số ca tử vong này là tự tử, 61% là giết người. Gần một phần ba số người Mỹ chết vì bị sát hại bằng súng vào năm 2019 đều dưới 25 tuổi.
Ban đầu, sự gia tăng các vụ tự tử và giết người trong giới trẻ hầu như không được chú ý vì tỷ lệ tử vong ở trẻ em và thanh, thiếu niên nói chung vẫn giảm trong hầu hết các năm.
Penicillin và các loại thuốc kháng sinh khác đã làm giảm số ca tử vong do nhiễm vi khuẩn trong những năm sau Thế chiến II. Vac[1]cine kiểm soát các loại virus chết người như bại liệt và cúm. Ô tô ngày càng an toàn hơn. Mũ bảo hiểm xe đạp, thiết bị phát hiện khói và các nỗ lực phổ cập kỹ năng bơi đã làm giảm tai nạn chết người và đuối nước. Những tiến bộ y tế giúp cứu sống trẻ sinh non và điều trị bệnh bạch cầu cũng như các bệnh ung thư khác đã giúp nhiều trẻ em sống sót.
“Nhưng, tất cả những sự tiến bộ đó hiện đang bị che lấp bởi 4 nguyên nhân gây tử vong. Khi đại dịch bắt đầu, cái chết của những người trẻ tuổi do tự tử và giết người tăng cao hơn. Tử vong do dùng thuốc quá liều và tai nạn giao thông cũng tăng đáng kể”, tiến sĩ Woolf nói với Wall Street Journal.
Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu, dù các trường hợp chết do COVID-19 góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em gần đây, nhưng nó đã bị lu mờ bởi sự gia tăng các trường hợp tử vong do thương tích. Năm 2020, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em và thanh, thiếu niên Mỹ là 0,24 ca trên 100.000 người, trong khi tỷ lệ này do thương tích cao gấp gần 12 lần.
Báo động về sức khỏe tâm thần
Một động lực tạo nên tỷ lệ tăng đáng buồn kể trên là cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ngày càng tồi tệ với những người trẻ tuổi. Eliza[1]beth Wolf, đồng tác giả nhóm nghiên cứu, nói: “Có sự thiếu hụt trầm trọng các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh, thiếu niên, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Người ta ước tính chỉ một nửa số trẻ em mắc các vấn đề về tâm thần ở thể có thể điều trị được tiếp cận với chuyên gia về lĩnh vực này”.
Nhu cầu về các dịch vụ tâm lý, tư vấn và các hỗ trợ sức khỏe hành vi khác vượt xa nguồn cung, khiến các bệnh nhân trẻ tuổi phải chuyển đến các khoa cấp cứu vốn đã quá căng thẳng vì COVID-19. Lois Lee, bác sĩ cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Boston, Chủ tịch Hội đồng Phòng, chống thương tích, bạo lực và ngộ độc nhi khoa Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến những bệnh nhân ngày càng trẻ tuổi đến khám với tình trạng khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, thậm chí cả những em nhỏ từ 8 đến 10 tuổi cũng có ý định tự tử”.
Lee cho Báo Wall Street Journal biết, bà đã nhìn thấy một bệnh nhân 8 tuổi cố gắng quấn thứ gì đó quanh cổ để lấy đi mạng sống của mình. Bà nói, tình trạng thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nội trú nghiêm trọng đến mức các bệnh nhân trẻ tuổi có thể chờ đợi trong các khoa cấp cứu trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần để có chỗ điều trị trong một cơ sở tâm thần.
Vì đâu nên nỗi?
Trở lại với những dữ liệu của nhóm nghiên cứu tại Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia, năm 2021, tử vong do tự tử ở thanh niên da đen và người Mỹ da đỏ/thổ dân Alaska cao gấp đôi so với thanh niên da trắng. Thanh, thiếu niên da đen chiếm gần 2/3 số nạn nhân bị sát hại từ 10-19 tuổi trong thời kỳ đầu của đại dịch tại Mỹ, cao gấp 20 lần so với thanh niên da trắng và gốc châu Á-Thái Bình Dương, gấp 6 lần so với thanh niên gốc Tây Ban Nha.
“Những chênh lệch này có một lịch sử. Chúng phản ánh hậu quả của các chính sách mà trong nhiều thế hệ đã gạt người da màu ra lề xã hội” Woolf nói. “Di sản của lịch sử này là các cộng đồng da màu có nguy cơ hứng chịu căng thẳng kinh tế và xung đột xã hội cao hơn nhiều”.
Theo nhiều chuyên gia về dân số và xã hội tại Mỹ, quyền sở hữu súng rộng rãi hơn trong thời kỳ đại dịch và các hành vi bạo lực nghiêm trọng của cảnh sát, bao gồm cả vụ sát hại thanh niên da đen George Floyd hồi tháng 5/2020, đã làm tăng sự thiếu tin tưởng của người dân đối với cơ quan thực thi pháp luật.
Daniel Webster, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Johns Hopkins - nhà nghiên cứu về phòng, chống bạo lực súng đạn - cho biết, thực trạng đó đã khiến một số người phải dùng đến các hình thức “công lý đường phố” để trả thù thay vì gọi cảnh sát.
Nguồn cung ngày càng tăng của cái gọi là “súng ma”, tức loại súng được sản xuất với các bộ phận mua trực tuyến hoặc từ máy in 3D, cũng giúp thanh thiếu niên dễ dàng có được vũ khí bất hợp pháp. “Đó là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột và kịch tính của bạo lực chết người”, giáo sư Webster nói.
TiKiya Allen, 18 tuổi, là một học sinh ngoan và là một hoạt náo viên sống ở thành phố Detroit cùng bà của cô, Bonnie Whittaker. TiKiya đăng ký học tại Đại học Oakland gần đó sau khi tốt nghiệp trung học và đang học để trở thành y tá trong khi làm việc bán thời gian tại một cửa hàng trong chuỗi nhà hàng ăn nhanh Taco Bell.
Nhưng, tháng 7/2021, khi đang đạp xe đến thăm một người bạn ở phía Tây Bắc Detroit thì TiKiya bị giết trong một vụ xả súng giữa ban ngày. Vụ án vẫn chưa được giải quyết. Cảnh sát Detroit cho biết có vẻ như TiKiya là một người ngoài cuộc vô tội bị kẹt trong làn đạn. “Tại sao một đứa trẻ không thể thoải mái đạp xe trên phố mà không lo bị mất mạng?”, Whittaker - bà của TiKiya đau đớn nói với phóng viên Báo Wall Street Journal khi được hỏi về cô bé.
Các trường hợp tử vong liên quan đến giao thông tại Mỹ cũng tăng lên bất chấp thực tế là mọi người đã lái xe ít hơn khi đại dịch xảy ra. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc đường sá vắng vẻ hơn nên một số người lái xe liều lĩnh và bất cẩn trong khi sự phân tâm bởi điện thoại di động cũng là nguyên nhân gây tai nạn hàng đầu trong những năm gần đây. Việc tiêu thụ rượu tăng lên trong thời kỳ đại dịch cũng làm tăng số ca tử vong do lái xe khi say rượu.
Nhiều chuyên gia y tế công cộng không tin sự kết thúc của đại dịch sẽ đảo ngược xu hướng gia tăng tỷ lệ tử vong ở những người trẻ tuổi tại Mỹ. Tiến sĩ Rivara của Đại học Washington nhận định, nếu những vấn đề dai dẳng về sức khỏe tâm thần của nhiều thanh niên không được điều trị kịp thời và khả năng tiếp cận súng vẫn quá dễ dàng thì chưa thể lạc quan về tình hình.
Elizabeth Wolf, đồng tác giả nghiên cứu với tiến sĩ Steven Woolf, từng dành 2 năm hành nghề nhi khoa ở vùng cận Sahara khi mới bắt đầu sự nghiệp rồi mới về làm tại Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia. Những trải nghiệm ở hai nơi ấy, với cô bây giờ lại vừa giống, vừa khác. “Ở châu Phi, tôi chứng kiến nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng và các bệnh truyền nhiễm. Bây giờ tôi đã trở lại Mỹ và vô cùng khó khăn khi chứng kiến những đứa trẻ chết vì các nguyên nhân do con người gây ra, như súng đạn và tai nạn ô tô”, cô buồn bã nói.