Mỹ ủng hộ các thương hiệu phương Tây trước làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc
Mỹ đã lên tiếng chỉ trích làn sóng tẩy chay các thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc, đồng thời khẳng định ủng hộ các công ty từ chối sử dụng nguyên liệu là sản phẩm của lao động cưỡng bức đến từ Tân Cương.
Dựa trên cáo buộc Bắc Kinh cưỡng bức lao động người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, một số thương hiệu thời trang của phương Tây đã thông báo không sử dụng "bông vải Tân Cương".
Điều này dẫn tới loạt chiến dịch trên mạng xã hội Trung Quốc nhắm vào tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Vào hôm 26-3-2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cho biết, Washington "khen ngợi và sát cánh" cùng các công ty đã tuân thủ pháp luật của Liên Hợp Quốc bằng việc đảm bảo sản phẩm của họ không phải do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất ra.
Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "phản đối việc Trung Quốc vũ khí hóa sự phụ thuộc của các công ty tư nhân vào thị trường nước này" để kìm hãm những lời chỉ trích Bắc Kinh hay chống lại kinh doanh có đạo đức.
Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và giải thích rằng, họ chỉ tổ chức các trung tâm dạy nghề để người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các tộc thiểu số khác ở đây không bị các phần tử cực đoan lôi kéo.
H&M là hãng thời trang đầu tiên tuyên bố không sử dụng bông vải được sản xuất ở khu tự trị này và ngay lập tức chịu làn sóng tẩy chay. Các thương hiệu khác như Nike, Adidas... đều đã bị nhắm tới sau đó.