Mỹ và Ả Rập Xê-út ký thỏa thuận hạt nhân dân sự
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Chris Wright cho biết, Mỹ và Ả Rập Xê-út đang tiến gần đến việc ký kết một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Chris Wright phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út ngày 13/4 rằng Mỹ và nước này sẽ ký một thỏa thuận sơ bộ để hợp tác về tham vọng phát triển ngành công nghiệp hạt nhân dân sự.
Đây là phát ngôn sau khi ông Wright gặp người đồng cấp của Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vào sáng 13/4. Thỏa thuận này nhằm hỗ trợ Ả Rập Xê-út phát triển chương trình năng lượng hạt nhân dân sự, phù hợp với tầm nhìn kinh tế "Vision 2030" của quốc gia này.
Theo ông Wright, một bản ghi nhớ chính thức về hợp tác năng lượng giữa hai nước dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Thành phần cốt lõi của thỏa thuận là "Hiệp định 123" theo Đạo luật Năng lượng nguyên tử Mỹ năm 1954, yêu cầu các quốc gia đối tác tuân thủ các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ, Chris Wright, tham dự một cuộc phỏng vấn với Reuters, tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út vẫn chưa chấp nhận các điều khoản này, đặc biệt là việc từ bỏ làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng — hai hoạt động có thể dẫn đến phát triển vũ khí hạt nhân.
Thái tử Mohammed bin Salman từng tuyên bố rằng nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân, Ả Rập Xê-út sẽ làm điều tương tự. Lập trường này đã gây lo ngại cho các chuyên gia kiểm soát vũ khí và một số nhà lập pháp Mỹ.
Thỏa thuận hạt nhân này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm củng cố quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út, đồng thời đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga tại Trung Đông. Ngoài ra, nó cũng có thể mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel, mặc dù tiến trình này vẫn còn nhiều thách thức.
Dù có tiềm năng mang lại lợi ích chiến lược và thương mại cho cả hai bên, thỏa thuận vẫn đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm sự phản đối từ Quốc hội Mỹ và lo ngại về khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực.
Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang tìm cách tạo ra nguồn năng lượng tái tạo đáng kể và giảm phát thải theo kế hoạch cải cách Tầm nhìn 2030. Ít nhất một phần trong số này dự kiến sẽ đến từ năng lượng hạt nhân.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/my-va-a-rap-xe-ut-ky-thoa-thuan-hat-nhan-dan-su-ar937472.html