Mỹ và châu Âu tăng tốc chống COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ký duyệt đạo luật cho phép chi 900 tỷ USD ngân sách để hỗ trợ người dân Mỹ trong đại dịch, trong khi Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ sớm có đủ liều vắc-xin phòng chống COVID-19 cho 450 triệu người dân sống trên lục địa này.
Mỹ: Vẫn là chưa đủ
Trong bối cảnh chỉ còn 1 ngày nữa là ngân sách tạm thời hết hạn, ngày 28/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hạ bút ký ban hành dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 900 tỷ USD và dự luật ngân sách trị giá 1.400 tỷ USD nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ đến hết tài khóa 2021 và hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao vì đại dịch. Cụ thể, dự luật ngân sách chính phủ dành 740,5 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng và 664,5 tỷ USD cho các chương trình trong nước như giao thông vận tải, y tế, an ninh nội địa...
Trong khi đó, dự luật cứu trợ COVID-19 tập trung vào việc gia hạn hỗ trợ người thất nghiệp, các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trị giá 275 tỷ USD. Theo đề xuất của gói tài chính cứu trợ COVID-19, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75 nghìn USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150 nghìn USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một hộ gia đình cũng được nhận 600USD.
2 dự luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua sau khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận đáp ứng một số ưu tiên của các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng như các điều khoản mục tiêu mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện đưa ra. Đây là thỏa thuận với những dự luật chi tiêu lớn nhất sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn vào cuối tháng 3/2020.
Trước đó, Tổng thống Trump từng cảnh báo sẽ không phê duyệt gói ngân sách 900 tỷ USD để hỗ trợ đối phó các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Theo ông Trump, lưỡng viện cần tăng mức tiền trong chi phiếu hỗ trợ người dân. Tương tự, mặc dù hoan nghênh gói cứu trợ, nhưng nhiều nhóm vận động trong Quốc hội cho rằng khoản tiền trên không đủ để giúp đỡ những người Mỹ đang phải vật lộn với những khó khăn trong nhiều tháng. Các nhóm trên kêu gọi Tổng thống đắc cử Joe Biden có thêm chính sách hỗ trợ khi ông chính thức bước vào Nhà Trắng.
Về phần mình, ông Biden tuyên bố sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua thêm một gói cứu trợ nữa sau khi ông nhậm chức đầu năm tới.
Châu Âu “bật đèn xanh” cho vắc-xin COVID-19
Ngày 28/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định EU sẽ sớm có đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho tất cả mọi người. Được biết, 27 nước EU có dân số gần 450 triệu người. Hiện nay, vắc-xin do Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức phát triển là loại duy nhất được EU phê duyệt, với một hợp đồng mua 200 triệu liều và quyền lựa chọn mua bổ sung 100 triệu liều. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu dự kiến sẽ xem xét đơn xin cấp phép cho vắc-xin của Moderna vào ngày 6/1 tới.
Hiện hàng loạt quốc gia EU đã triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng loại vắc-xin Pfizer. Chiến dịch này được khởi động một ngày sau khi tất cả các quốc gia thành viên nhận được lô hàng vắc-xin đầu tiên kể từ khi được Ủy ban cho phép.Trong đó, Đức, Hungary và Slovakia là những quốc gia EU triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đầu tiên, sớm hơn 1 ngày so với các nước còn lại. Các nước Pháp, Italia, Áo, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha...đã khởi động tiêm chủng diện rộng vào ngày 27/12, bắt đầu với nhân viên chăm sóc sức khỏe...
Báo The Sunday Telegraph trích dẫn kế hoạch của các bộ trưởng Anh cho biết quốc gia này sẽ triển khai diện rộng vắc-xin COVID-19 của Oxford - AstraZeneca từ ngày 4/1/2021. Dự kiến, vắc-xin của Oxford - AstraZeneca sẽ được Cơ quan Quản lý Thuốc uống và Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) phê chuẩn trong vài ngày tới.
Hà Anh
((Theo The Guardian, NPR))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/my-va-chau-au-tang-toc-chong-covid-19-n184796.html