Mỹ và Đức đạt thỏa thuận mới nhất về Nord Stream 2
Reuters, AP, Tân Hoa Xã ngày 21/7/2021 đưa tin cập nhật về việc Mỹ và Đức đạt thỏa thuận sơ bộ liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), giải quyết tranh chấp lâu nay liên quan đến dự án đường ống trị giá 11 tỷ USD, hiện đã hoàn thành 98%. Theo hai nguồn tin của Reuters, một thỏa thuận song phương dự kiến có thể được thông báo vào ngày hôm nay, thứ Tư (giờ Mỹ).
Hôm Thứ Ba, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington và Berlin đã đạt được tiến bộ trong vấn đề gây tranh cãi liên quan đến Nord Stream 2, khẳng định quan điểm phản đối đường ống, nhưng cho rằng thỏa thuận Mỹ-Đức sẽ giảm thiểu khả năng Nga sử dụng năng lượng làm “vũ khí chống lại Ukraine và các nước khác trong khu vực”.
AP cho biết các Trợ lý của các Nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã được thông báo tóm tắt về các nét chính của thỏa thuận. Thỏa thuận sẽ cho phép hoàn thành đường ống Nord Stream 2 mà cả Đức và Nga đều sẽ không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Đổi lại, Mỹ và Đức sẽ có một số nhượng bộ nhất định đối với Ukraine và Ba Lan. Ukraine sẽ được nhận khoản tín dụng công nghệ năng lượng xanh trị giá 50 triệu USD, các đảm bảo hoàn trả phí vận chuyển khí đốt mà nước này bị mất do dòng khí đốt không đi qua hệ thống dẫn khí của Ukraine đến năm 2024. Đức và Mỹ cam kết các lệnh trừng phạt sẽ được xem xét áp dụng lại nếu Nga sử dụng khí đốt như một vũ khí chính trị, có hành động mạnh mẽ nếu Nga “sử dụng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 để gây hại cho Ukraine hoặc các nước Đông Âu khác”.
Trước mắt, thỏa thuận sẽ ngăn chặn việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt bắt buộc của Quốc hội Mỹ đối với Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành công ty. Chính quyền Biden bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp trừng phạt tùy theo từng trường hợp, phù hợp với quy định luật pháp của Mỹ. Đức đồng ý đóng góp vào một quỹ mới trị giá 1 tỷ USD để giúp Ukraine chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và cải thiện an ninh năng lượng của mình. Hiện chưa có thông tin chi tiết về khoản tài trợ, nhưng tiền có thể đến từ các nguồn tư nhân, được hỗ trợ bởi sự bảo lãnh của chính phủ. Trước đó Bloomberg News đã đưa tin rằng Đức sẽ cung cấp khoản đầu tư ban đầu trị giá 175 triệu USD.
Để thuyết phục Ba Lan, Đức cũng sẽ đồng ý ký vào "Sáng kiến Ba Biển", một kế hoạch do EU và Hoa Kỳ xúc tiến nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và an ninh năng lượng giữa các quốc gia ven Biển Baltic, Biển Đen, và Biển Adriatic.
Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ
Hôm Thứ Ba, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết "Người Đức đã đưa ra các đề xuất hữu ích và chúng tôi có thể đạt tiến bộ trên các bước đi để đạt mục tiêu chung đó là đảm bảo rằng Nga không thể vũ khí hóa các dòng năng lượng.", "Chúng tôi chưa có bất kỳ chi tiết cuối cùng nào để công bố, nhưng tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể sớm nói thêm".
Ned Price nhắc lại quan điểm Nord Stream 2 là “dự án địa chính trị của Điện Kremlin nhằm mở rộng ảnh hưởng của Nga đối với các nguồn năng lượng của châu Âu và phá hoại Ukraine”, nhưng “Không có ý nghĩa gì khi trừng phạt các đồng minh của chúng tôi đối với một dự án đã hoàn thành hơn 90% vào ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden", “Chúng tôi không tin rằng các lệnh trừng phạt có thể ngăn chặn việc hoàn thành đường ống”. Ned Price cho biết quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet đã tới Ukraine hôm thứ Ba và sẽ thăm Ba Lan trong thứ Tư. Derek Chollet sẽ thảo luận về Nord Stream 2 và an ninh năng lượng với hai quốc gia Đông Âu phản đối dự án Nord Stream 2.
AP đưa tin Tổng thống Volodymyr Zelensky được mời đến thăm Washington vào cuối mùa hè này, nhưng chưa thông báo ngày.
Tổng thống Biden phải đối mặt với áp lực từ Quốc hội Mỹ để chặn đường ống
Nord Stream 2 từng là chủ đề tranh luận gay gắt giữa U.S. và Đức trong một thời gian. Hoa Kỳ từ lâu tuyên bố rằng dự án này là một động thái địa chính trị của Nga sẽ làm suy yếu vai trò của Ukraine trong việc trung chuyển năng lượng sang châu Âu trong khi Đức và Nga chỉ ra rằng dự án này hoàn toàn mang tính thương mại. Nord Stream 2 cũng đã đặt ra một tình huống khó xử về chính sách đối ngoại đối với chính quyền Biden. Hoa Kỳ muốn xây dựng lại mối quan hệ với Đức đã bị tổn hại dưới chính quyền Trump. Thủ tướng Merkel mạnh mẽ ủng hộ dự án và Nord Stream 2 gần như đã hoàn thành. Tổng thống Biden cho rằng trừng phạt Đức vì sự ủng hộ Nord Stream 2 sẽ phản tác dụng đối với các lợi ích rộng lớn hơn của Mỹ.
Tháng 5, Tổng thống Biden đã miễn trừ lệnh trừng phạt đối với công ty Đức Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành, gây ra phản ứng giận dữ từ các thành viên Quốc hội Mỹ và sự thất vọng từ Ukraine và Ba Lan. Các quan chức chính quyền Biden bảo vệ việc áp dụng biện pháp miễn trừ, cho rằng Mỹ có thể rút lại sự miễn trừ bất cứ lúc nào và việc đe dọa áp đặt trừng phạt thực sự mang lại cho Mỹ nhiều đòn bẩy hơn.
Tổng thống Biden Biden đang đối mặt với áp lực từ Quốc hội Mỹ yêu cầu ngăn chặn đường ống. Thượng nghị sỹ James Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng "Bất kể kết quả chính sách đối ngoại mà chính quyền nghĩ rằng họ đã đạt được như thế nào, vẫn có những biện pháp trừng phạt bắt buộc theo luật của Mỹ mà chính quyền chưa áp đặt"./.