Mỹ và EU cam kết hợp tác an ninh năng lượng tại phiên họp Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU

Reuters ngày 8/2/2022 đưa tin hôm thứ Hai (7/2), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã họp Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU (EU-U.S. Energy Council), cam kết hợp tác để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ngay cả khi các dòng chảy khí đốt tới EU bị gián đoạn và trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của EU.

Phiên họp lần thứ 9 của Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU hôm 7/2/2022 tại Washington dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ J. Granholm (phải) và Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell, Cao ủy Năng lượng châu Âu Kadri Simson (trái). Ảnh: Phái đoàn EU tại Washington.

Phiên họp lần thứ 9 của Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU hôm 7/2/2022 tại Washington dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ J. Granholm (phải) và Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell, Cao ủy Năng lượng châu Âu Kadri Simson (trái). Ảnh: Phái đoàn EU tại Washington.

Ngày 7/2/2022 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer M. Granholm, Đại diện Cấp cao của EU về đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Josep Borrell Fontelles và Cao ủy Năng lượng Châu Âu Kadri Simson đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 9 của Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU, diễn đàn điều phối xuyên Đại Tây Dương hàng đầu về các vấn đề năng lượng chiến lược, được thiết lập trên cơ sở Tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Von der Leyen về hợp tác an ninh năng lượng giữa Mỹ và EU ngày 28/1/2022.

Phát biểu với phóng viên tại Washington hôm thứ Hai (7/2), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cùng với Đại diện Cấp cao của EU Josep Borrell, cho biết Mỹ và EU đang hợp tác cùng nhau để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu trước những cú sốc về nguồn cung.

Ngoại trưởng Blinken cho rằng sự phối hợp với các đồng minh và đối tác là cách tốt nhất để chia sẻ nguồn dự trữ năng lượng “trong trường hợp Nga tắt nguồn cung hoặc khơi mào một cuộc xung đột làm gián đoạn dòng khí đốt qua Ukraine". Josep Borrell cho biết ưu tiên trước mắt của EU là đa dạng hóa các nguồn năng lượng và dòng khí đốt tới EU để tránh gián đoạn nguồn cung và đảm bảo rằng thị trường năng lượng thế giới sẽ có tính thanh khoản, cạnh tranh và nguồn cung tốt.

Các tàu chở LNG từ Mỹ hướng về các cảng ở châu Âu tăng đột biến từ cuối năm 2021. Ảnh: Shell.

Các tàu chở LNG từ Mỹ hướng về các cảng ở châu Âu tăng đột biến từ cuối năm 2021. Ảnh: Shell.

Tuyên bố chung được đưa sau phiên họp lần thứ chín Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU cho biết Mỹ và EU sẽ hợp tác cùng nhau để các thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu có thể cung cấp nguồn cung bổ sung và đa dạng trong trường hợp các đường ống dẫn khí đốt bị gián đoạn trong thời gian ngắn và khi về lâu dài các quốc gia dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để hướng tới một tương lai phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) bền vững. Tuyên bố chung Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU nêu rõ khí đốt chỉ có thể là một giải pháp ngắn hạn, nhu cầu lâu dài hơn là loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch, trong đó có khí đốt, khi EU tìm cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga và việc gia tăng căng thẳng trong vấn đề Ukraine đã đẩy giá khí đốt lên mức cao kỷ lục. Nguồn cung khí đốt từ Nga thấp hơn bình thường trong những tháng gần đây đã khiến các quan chức EU và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng Moscow đã cắt giảm nguồn cung cho châu Âu.

Tuyên bố chung của EU và Mỹ cho rằng không thể chấp nhận được việc sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như “một vũ khí hoặc đòn bẩy địa chính trị".

Nhập khẩu LNG của châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1/2022, ở mức 11,8 tỷ mét khối khí (bcm), trong đó gần 45% LNG đến từ Mỹ.

Một cơ sở khí đốt của Gazprom tại Đức. Ảnh: Gazprom.

Một cơ sở khí đốt của Gazprom tại Đức. Ảnh: Gazprom.

Từ cuối năm ngoái, khi xem xét các kế hoạch dự phòng đối với việc gián đoạn nguồn cung khí đốt, các quan chức EU đã đàm phán với các nhà cung cấp LNG như Qatar và Na Uy. Ban đầu, các cuộc đàm phán chủ yếu là phản ứng trước việc giá khí đốt tăng cao, nhưng căng thẳng gia tăng với Nga đã khiến các cuộc thảo luận được đẩy mạnh hơn cho mục tiêu hợp tác năng lượng thay thế nguồn cung.

Người đứng đầu chính sách năng lượng của EU, Cao ủy Năng lượng Kadri Simson cho biết Azerbaijan sẵn sàng hỗ trợ EU trong trường hợp dòng khí đốt bị gián đoạn. Năng lực cơ sở hạ tầng LNG chưa được sử dụng ở châu Âu có thể xử lý khối lượng LNG lớn hơn, tuy các nhà phân tích cảnh báo về các khả năng tắc nghẽn, trong đó có sự hạn chế về khả năng hóa lỏng toàn cầu.

Về phần mình, Gazprom cho biết họ đang hoàn thành tất cả các hợp đồng dài hạn với EU và Điện Kremlin cho biết Nga không lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-va-eu-cam-ket-hop-tac-an-ninh-nang-luong-tai-phien-hop-hoi-dong-nang-luong-my-eu-641274.html