Mỹ và Nhật Bản: Mối quan hệ có đi có lại

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc mà không có sự căng thẳng hay phát biểu mâu thuẫn.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc mà không có sự căng thẳng hay phát biểu mâu thuẫn.

Những tuyên bố thể hiện mong muốn của hai nhà lãnh đạo về việc xây dựng một liên minh bền vững cho thấy cả hai đều hài lòng với kết quả gặt hái được từ cuộc hội đàm thượng đỉnh này.

Cuộc họp kéo dài khoảng 110 phút đã đem đến những cam kết khá rõ ràng và cụ thể. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hầu hết các vấn đề cốt lõi gồm liên minh Mỹ- Nhật vẫn là nền tảng của hòa bình, thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; tiếp tục tăng cường liên minh tay ba Mỹ - Nhật -Hàn; thúc đẩy hợp tác nhiều lớp giữa các quốc gia có cùng chí hướng; tổ chức cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao vào thời điểm sớm nhất; hợp tác chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Triều Tiên; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, kinh doanh, năng lượng, AI, không gian…

Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp, kỳ vọng về một kết quả thành công không cao, với một số nhà lập pháp ngay trong đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông Ishiba và phe đối lập nhận định rằng vị thủ tướng nghiêm nghị và ham đọc sách này không phù hợp để ứng phó với ông Trump.

Giới chuyên gia cũng như giới chính trị Nhật Bản lo ngại về một cuộc hội đàm căng thẳng nếu như ông Trump thẳng thừng chỉ trích Nhật Bản về vấn đề thâm hụt thương mại, yêu cầu Nhật Bản tăng đóng góp cho quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, tăng chi tiêu quốc phòng và thậm chí có thể bác bỏ thương vụ Nippon Steel mua US Steel vì ông từng tuyên bố phản đối thương vụ này khi tranh cử tổng thống Mỹ.

Thế nhưng, các lo ngại trên đã không xảy ra. Có một sự khác biệt với nhiệm kỳ trước khi trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua cũng như từ khi nhậm chức, ông Trump hầu như không nói gì về Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, với khoảng 54.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại quốc gia này.

Tổng thống Mỹ đã không có lời nào nhắc lại yêu cầu Nhật Bản tăng mức đóng góp cho quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản, một yêu cầu mà ông thậm chí đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Thương vụ Nippon Steel mua US Steel là một bất ngờ khi hai nhà lãnh đạo nhất trí chuyển đổi hình thức thương vụ từ “sáp nhập” sang “đầu tư.”

Mặc dù không đưa ra bất kỳ khuôn khổ cụ thể nào, nhưng rõ ràng đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn đồng thời là tín hiệu tích cực mở đường cho việc thảo luận về thương vụ này trong thời gian tới.

Thậm chí, Tổng thống Trump đã thể hiện sự khẩn trương khi cho biết sẽ sớm gặp các giám đốc điều hành cấp cao của Nippon Steel trong tuần tới để được cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch hợp tác của doanh nghiệp này với US Steel, trực tiếp tham gia với vai trò “trung gian và trọng tài."

David Boling, cựu chuyên gia đàm phán tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, đồng thời là giám đốc Thương mại Nhật Bản và châu Á tại Eurasia Group, đánh giá các bên đều tránh được kịch bản xấu nhất.

Nippon Steel không thể sở hữu nhưng có thể có cổ phần trong doanh nghiệp và U.S. Steel có thể nhận được khoản đầu tư cần thiết trong khi vẫn thuộc sở hữu của Mỹ. Chuyên gia Boling cho rằng đây chắc chắn là một thông điệp tích cực đối với ông Ishiba.

Để gặt hái được kết quả này, không thể phủ nhận sự chuẩn bị kỹ càng của Thủ tướng Ishiba cùng đội ngũ cố vấn trước cuộc gặp với một nhà lãnh đạo được đánh giá là “khó đoán trước.”

Thủ tướng Ishiba cùng đội ngũ cố vấn đã có hàng loạt cuộc tham vấn với những nhân vật có kinh nghiệm làm việc với Tổng thống Trump, từ các nhân vật trong các nội các tiền nhiệm, các chuyên gia quan hệ Nhật-Mỹ cho đến các chính khách và chuyên gia hàng đầu của Mỹ.

Trong số các chủ đề khác nhau được thảo luận, hợp tác kinh tế song phương được đánh giá là phù hợp với các ưu tiên của ông Trump vì vậy được các quan chức Nhật Bản dàn dựng cẩn thận với vai trò là trọng tâm đàm phán.

Ông Ado Machida, một doanh nhân có trụ sở tại Tokyo từng làm việc trong nhóm chuyển giao của tỷ phú Trump sau chiến thắng bầu cử năm 2016, nói rằng "ông Trump sẽ muốn biết Nhật Bản sẽ làm gì cho ông ấy."

Đó chính là lời đề nghị của Nhật Bản về việc mua thêm khí hóa lỏng (LNG) và hỗ trợ đường ống dẫn LNG Alaska, một dự án trị giá 44 tỷ USD được ông Trump chấp nhận trong nhiệm kỳ trước.

Giới phân tích đánh giá Tổng thống Mỹ đặc biệt vui mừng với đề nghị này của Nhật Bản. Tiếp đó, để nhấn mạnh sự đóng góp của Nhật Bản cho chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản đã trao cho Mỹ thêm một món quà hào phóng nữa, đó là cam kết nâng mức đầu tư của Nhật Bản, bao gồm các nhà sản xuất ôtô và các công ty trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, lên mức "chưa từng có" là 1 nghìn tỷ USD (khoảng 151 nghìn tỷ yen).

Tổng thống Trump khẳng định "cam kết không lay chuyển của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, sử dụng toàn bộ năng lực của mình, bao gồm cả năng lực hạt nhân". Trong một động thái mang tính biểu tượng, tuyên bố chung Mỹ-Nhật đã được mở đầu bằng cam kết theo đuổi "thời kỳ hoàng kim mới" trong quan hệ Nhật Bản-Mỹ.

Riley Walters, thành viên cấp cao tại Viện Hudson và là chuyên gia về Nhật Bản, cho rằng thành tựu quan trọng nhất đối với cả hai bên là thiết lập mối quan hệ của họ. Với cam kết rõ ràng của Tổng thống Trump, ông Walters nhận định: "Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Không có phần nào thực sự gây tranh cãi.”

Ông Walters đánh giá: “Chắc chắn có một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và cũng có rất nhiều sự lạc quan trong tương lai."

Giới chuyên gia từng nhận định “lợi ích kinh tế là cách dễ nhất" để giành được sự ủng hộ của Tổng thống Trump. Với tiềm lực của một nền kinh tế phát triển, Thủ tướng Ishiba đã sử dụng thành công sức mạnh này trong hoạt động ngoại giao tưởng chừng là khó nhất trong sự nghiệp.

Theo chuyên gia Ise Yoji ở Trung tâm Nghiên cứu Chính trị có trụ sở tại Tokyo, chiến lược rõ ràng của Nhật Bản là tập trung vào các vấn đề kinh tế đã giúp giảm thiểu rủi ro phá vỡ quỹ đạo của liên minh Tokyo-Washington và duy trì liên minh mạnh mẽ như mọi khi.

Lợi ích kinh tế chính là trụ cột để ông Ishiba giành được thiện cảm từ ông Trump, ngăn chặn xung đột thương mại tiềm tàng và khẳng định tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ.

Nhà báo Takuya Karube của Kyodo nhận định ông Trump thường bị coi là đơn phương trong cách tiếp cận đối với các mối quan hệ quốc tế. Thế nhưng, với thành công của ông Ishiba trong cuộc tiếp xúc ngoại giao quan trọng bậc nhất này, có thể nói học thuyết của đương kim Tổng thống Mỹ chủ yếu là tìm kiếm sự "có đi có lại."

Chuyên gia Jess Hudson của Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương cho biết chuyến đi diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Thủ tướng Ishiba, người luôn chứng kiến tỷ lệ ủng hộ thấp kể từ khi thành lập nội các đầu tiên vào tháng 10/2024.

Đó là công du nước ngoài vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo Nhật Bản thường không thực hiện để tập trung vào ngân sách và các vấn đề trong nước khác.

Với kết quả này, Thủ tướng Ishiba không chỉ tránh được một thất bại ngoại giao có thể làm suy yếu thêm quyền lực vốn đã mong manh của chính phủ thiểu số, ông còn được đánh giá là đã xây dựng thành công nền tảng cho mối quan hệ ổn định với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-va-nhat-ban-moi-quan-he-co-di-co-lai-post1011376.vnp